Thursday, November 26, 2009

Sweet Memory

CENLET - 20th ANNIVERSARY

Cenlet Language Center's 20th Anniversary was held on Nov 14, 2009 at Festival Tourism Service Center.

From 3:30 pm, the Management Board and staff gathered in front of the lobby to welcome guests


Many distinguished guests attended Cenlet's 20th Anniversary.

At 5:00 pm, Mr. Le Van Gioang, Director delivered the speech to declare the anniversary.

Mr. Le Van Gioang (Director) and Mr. Truong Si San (Deputy Director) were given flowers by the staff representatives.

The whole staff sang the song "Nhung ngoi truong ben dong song Huong" composed by Nguyen Xuan Oanh, who is also a teacher working for Cenlet Language Center for more than 15 years.
Lucky participants received special gifts from the Game "Lottery Tickets"
The Director Board, staff and all guests enjoyed the party.
The atmosphere of the anniversary became cozier and friendlier with the sweet melodies and beautiful dances performed by Cenlet staff and guests.
It was a memorable moment in life! Everyone felt happy to grow old with Cenlet Language Center.

For more photos on this celebration, please visit http://picasaweb.google.com/CenletLanguageCenter/2009111420thCENLET#

For photos of Cenlet's activities during the past 20 years, please visit http://picasaweb.google.com/CenletLanguageCenter


Đặc san 20 năm Cenlet

THAY LỜI NGỎ


Ấn phẩm “ CENLET hai mươi năm thành lập” này ra đời để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 20 của Trung tâm ngoại ngữ CENLET.


Hai mươi năm quả là một quãng thời gian đầy ý nghĩa đối với những người tạo dựng, phát triển Trung tâm và trải qua bao nhiêu thăng trầm.


Mong muốn của chúng tôi là ghi dấu chặng đường hình thành và phát triển của Trung tâm, từ thuở ban đầu là hoạt động của Câu lạc bộ Giáo viên ngoại ngữ Huế ( tên gọi ra đời từ đây: CENLET viết tắt của các chữ Club des Enseignants des Langues Étrangères) cho đến bây giờ đã trở thành một địa chỉ tin cậy, quen thuộc của nhân dân thành phố Huế và của tỉnh Thừa Thiên Huế ( tên CENLET đi vào lòng người dân Huế như một danh từ chung có ý nghĩa gần như là ngoại ngữ.)


Ấn phẩm này cũng là nơi tập hợp tiếng nói, những dấu ấn kỷ niệm của nhiều thế hệ giảng viên của Trung tâm trong suốt 20 năm qua, với bao tình cảm mộc mạc của những cây bút không chuyên nghiệp, nhưng đầy thân thương, trung thực và ngọt ngào; những vui buồn trên bục giảng cũng như trong những dịp sinh hoạt dã ngoại tập thể của Gia đình CENLET.


Ước vọng của tập sách còn là nơi tri ân, hạnh ngộ, tâm tình của tất cả giảng viên, giáo viên ngoại ngữ của Trung tâm CENLET trong suốt thời gian 20 năm qua.


“ Ôn cố tri tân” để tiến bước vững vàng hơn, trưởng thành hơn trong tương lai, đó không chỉ là khát vọng của riêng ai mà là của tập thể giáo viên và học viên của Trung tâm.

Chúc mừng sinh nhật lần thứ 20.


Tuổi 20 là tuổi đẹp, sung sức và đầy triển vọng, đối với con người, cũng như đối với một ngôi trường, một Trung tâm ngoại ngữ. Xin gửi vào tập sách niềm tin yêu và hy vọng.


GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM

Đặc san 20 năm Cenlet

TRUNG TÂM NGOẠI NGỮ CENLET
20 NĂM HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN


LÊ VĂN GIOANG
Giám đốc Trung tâm

Một ngày có lẽ là đẹp trời và đẹp lòng của tháng 5 năm 1989, một số đồng nghiệp dạy tiếng Pháp – các anh Cao Hữu Điền, Tôn Thất Lập, Trương Văn Minh, Hồ Trân và tôi (lúc ấy dạy tiếng Anh ở trường Trung học phổ thông Gia Hội, Huế) – đã đồng tình và quyết định thành lập CÂU LẠC BỘ GIÁO VIÊN NGOẠI NGỮ (Club des Enseignants des Langues Étrangères), viết tắt là CENLET. Và danh từ ‘CENLET’ ra đời từ đó. Trụ sở đầu tiên của CENLET đặt tại số 4 đường Hoàng Hoa Thám, thành phố Huế.

Câu lạc bộ CENLET ra đời với những định hướng và mục đích cụ thể sau đây:
- Hỗ trợ chính sách đổi mới của Nhà nước để phát triển đất nước trong giai đoạn mở cửa; nhu cầu quan hệ với thế giới ngày càng mở rộng và do đó, ngoại ngữ là công cụ cần thiết trong quan hệ đối tác và giao lưu với thế giới;
- Góp tiếng nói khẳng định thành phố Huế là thành viên của Hiệp hội quốc tế các thành phố có sử dụng tiếng Pháp (AIMF);
- Góp phần trang bị trình độ ngoại ngữ cho quần chúng thuộc nhiều thành phần khác nhau có nhu cầu học ngoại ngữ thực sự;
- Góp phần tập hợp thầy cô giáo dạy ngoại ngữ trên địa bàn thành phố để có thể phát huy thế mạnh của bản thân, đóng góp vào phong trào đổi mới chung của tỉnh nhà.


Với những ý nghĩa thực tiển đó, CÂU LẠC BỘ GIÁO VIÊN NGOẠI NGỮ và sau đó là TRUNG TÂM NGOẠI CENLET đã thành lập và nhận được nhiều sự ủng hộ từ Ủy ban Nhân dân thành phố Huế, Phòng Giáo dục thành phố Huế, Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế và của nhân dân Thừa Thiên Huế.


Tháng 7 năm 1989, Trung tâm được phép mở các lớp tiếng Anh và tiếng Pháp tại trường tiểu học Lê Lợi với số lớp khai giảng đầu tiên là 10 lớp, sau 2 tháng tăng lên 20 lớp. Sau 3 tháng thử thách và nhận thấy công việc của Trung tâm có hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu của nhân dân thành phố, UBND Thành phố Huế chính thức ra quyết định số 455 QĐ/UB ngày 6 tháng 10 năm 1989 do Ông Nguyễn Văn Mễ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Huế ký và cử Ban điều hành Trung tâm gồm:
- Ông Lê Văn Gioang, Trưởng Ban điều hành
- Ông Cao Hữu Điền, Phó Ban điều hành
- Ông Trương Văn Minh, Thư ký và kế toán.


Trong thời gian đầu Trung tâm chỉ được phép giảng dạy tiếng Anh và tiếng Pháp theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việc tổ chức thi mãn khóa và cấp chứng chỉ do Khoa ngoại ngữ của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đảm trách.


Sau đó, Trung tâm được bổ sung chức năng Dịch thuật, theo quyết định số 243QĐ/UB ngày 30 tháng 5 năm 1990 của UBND thành phố Huế.


Do nhu cầu chuyển đổi công tác và khối lượng công việc của Trung tâm ngày càng nhiều, nên tôi mời thêm các anh Lê Văn Khôi, Tôn Thất Viễn Bào, Trương Sĩ Sằn làm phó Giám đốc Trung tâm và anh Lê Xuân Bân, phụ trách giáo vụ.


Sau hơn 2 năm nổ lực hoạt động và đã đạt được một số thành quả ban đầu về mặt chất lượng dạy và học, cũng như về tổ chức và đội ngũ giảng viên, Trung tâm được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận theo quyết định số - 5699/TC-BT, do ông Nguyễn Nhật Quang – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường Xuyên và Tại chức ký ngày 23 tháng 10 năm 1991, cho phép Trung tâm được tổ chức thi và cấp chứng chỉ A tiếng Anh và tiếng Pháp.


Mùa hè năm 1990, hoạt động của trung tâm ngày càng phát triển tốt, số lượng học viên theo học ngày càng đông. Do cơ sở trường tiểu học Lê Lợi không đủ phòng học, nên chúng tôi xin chuyển đến trường Hai Bà Trưng, và sau đó khoảng một năm, khi số lượng học viên phát tăng mạnh, chúng tôi xin mở thêm cơ sở thứ 2 tại trường Quốc Học – Huế, với sự hỗ trợ của ông Âu Thanh Minh, lúc bấy giờ là Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo Thừa Thiên Huế. Với tầm vóc lịch sử lịch sử của 2 ngôi trường trung học lớn nhất và đẹp nhất của thành phố Huế, Trung tâm CENLET đã may mắn có được những thuận lợi lớn ban đầu về mặt cơ sở vật chất và không gian hoạt động dạy và học, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững và lâu dài của trung tâm sau này.


Ngày 14 tháng 9 năm 1992 theo quyết định số 6026/TC-BT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm được quyền tổ chức thi và cấp chứng chỉ B tiếng Anh và tiếng Pháp.


Qua nhiều đợt khảo sát, kiểm tra thực tế, Bộ GD&ĐT cho phép Trung tâm được tổ chức các kỳ thi và cấp chứng chỉ C theo quyết định số 4017/GDTX do Thứ trưởng Trần Xuân Nhĩ ký ngày 20 tháng 6 năm 1994.


Giai đoạn từ năm 1991 đến năm 1997 là giai đoạn phát triển rực rỡ của Trung tâm. Đây cũng là giai đoạn mà phong trào dạy và học ngoại ngữ trong cả nước dâng cao khi đất nước bước vào thời kỳ mở cửa và đổi mới mạnh mẽ, đặc biệt mở rộng giao thương và ngoại giao trên trường quốc tế. Để đáp ứng nhu cầu học tập rộng rãi của học sinh, sinh viên và cán bộ ở thành phố Huế cũng như tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm đã lần lượt mở thêm nhiều chi nhánh và hợp đồng giảng dạy tiếng Anh tại nhiều cơ quan:
­ Ở địa bàn thành phố Huế, ngoài hai cơ sở chính là Quốc Học và Hai Bà Trưng, Trung tâm còn mở thêm 2 chi nhánh khác, đó là: cơ sở CENLET - THPT Nguyễn Huệ và cơ sở CENLET - Cao Đẳng Sư Phạm Thừa Thiên Huế.


Ngoài ra theo nhu cầu nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ CNVC tại các cơ quan nhà nước, Trung tâm đã hợp đồng giảng dạy tiếng Anh tại các cơ quan như: Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố Huế, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, Khách sạn Lê Lợi, Khách sạn Hương Giang, v.v.


­ Ở khu vực huyện: Cùng với phong trào phát triển dạy và học ngoại ngữ rộng khắp trong tỉnh, các trường THPT trọng điểm của các huyện cũng có nhu cầu mở các chi nhánh CENLET. Trong giai đoạn này Trung tâm đã có chi nhánh tại các huyện sau:
- Huyện Phú Vang: Chi nhánh CENLET tại Trường THPT Phan Đăng Lưu và trường Tiểu học Thuận An.
- Huyện Hương Thủy: Chi nhánh CENLET tại Trung tâm Giáo dục Thường xuyên huyện Hương Thủy và Trường THPT Phú Bài.
- Huyện Quảng Điền: Chi nhánh CENLET tại Phòng GD Quảng Điền
- Huyện Phong Điền: Chi nhánh CENLET tại Trường THPT Phong Điền, và Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu.
- Huyện Phú Lộc: Chi nhánh CENLET tại Trường THPT An Lương Đông và Trường THPT Phú Lộc.


Sau hơn 4 năm Trung tâm phát triển rất mạnh, đặc biệt về mặt số lượng, phong trào học ngoại ngữ mang tính chất “đại trà”đã dần dần lắng xuống. Một mặt do mục đích và động cơ học tập chưa rõ ràng; mặt khác, việc học ngoại ngữ “thực sự” để sử dụng ngoại ngữ đó một cách có hiệu quả không dễ dàng và đơn giản như nhiều người lầm tưởng cho nên số lượng học viên theo học tại các trung tâm ngoại ngữ ban đêm giảm dần. Giai đoạn khó khăn nhất mà trung tâm đã trải qua là từ cuối năm 1999 cho đến hết năm 2002. Trong giai đoạn này trung tâm đã thu hẹp dần các chi nhánh vùng huyện; chỉ còn giữ lại 2 cơ sở chính là Quốc Học và Hai Bà Trưng mãi cho đến giai đoạn “phục hưng” từ tháng 9/2003 cho đến nay.


Ngay từ khi mới thành lập với biết bao điều khó khăn – cơ sở vật chất , đội ngũ giảng viên không có sẵn, v.v., việc cạnh tranh để tồn tại là một qui luật không tránh khỏi, Ban Điều hành trung tâm đã quyết tâm chủ trương: Chỉ có một con đường duy nhất là cạnh tranh lành mạnh – Chất lượng dạy và học phải được đặt lên lên hàng đầu.


Để từng bước tạo được uy tín cho Trung tâm, đồng thời đảm bảo chất lượng dạy và học, Trung tâm đã mời những giảng viên có kinh nghiệm lâu năm trong nghề từ các trường Đại học Ngoại Ngữ, từ các trường Trung học phổ thông trong tỉnh. Trung tâm luôn lắng nghe ý kiến đóng góp dân chủ của giáo viên; luôn tạo điều kiện, cung cấp chương trình, băng đĩa, tài liệu mới đến từng giáo viên, đồng thời đồng thời cung cấp sách giáo khoa miễn phí cho học viên;


Tạo điều kiện cho giáo viên tiếp cận với phương pháp dạy-học mới có hiệu quả hơn. Điều này tạo nên sự phối hợp nhịp nhàng và đồng bộ trong các hoạt động dạy và học.


Song song với việc nâng cao chất lượng dạy và học, Trung tâm đã tổ chức các Kỳ thi mãn khóa rất nghiêm túc, đúng qui chế thi của Bộ GD-ĐT; luôn luôn có những biện pháp hữu hiệu để ngăn chận những trường hợp tiêu cực trong quá trình thi như: thi hộ, quay cóp tài liệu, ra đề thi dễ v.v. Chất lượng đề thi theo chuẩn mực và dạng thức đề thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo; không khuyến khích đối tượng thí sinh dự do mà không qua đào tạo. Một minh chứng cụ thể cho chất lượng đầu ra, đó là tỷ lệ học viên thi đỗ mãn khóa bình quân từ 65 % – 75 %.


Trung tâm luôn luôn đảm bảo quỹ thời gian đào tạo đã đưa vào chương trình học từ trước; không bao giờ rút ngắn khóa học và ngược lại, nếu có trường hợp nghỉ học do nhà trường bận, bảo lụt, v.v., thì học viên sẽ được học bù vào cuối khóa. Theo lý thuyết phân phối chương trình: Chứng chỉ A & B: 10 tháng (258 tiết); chứng chỉ C: 11 tháng (282 tiết). Tuy nhiên trong thực tế, sau khi đã trừ thời gian nghỉ Lễ, Tết, và thời gian các trường Quốc Học và Hai Bà Trưng bận sử dụng trong các kỳ thi tỉnh và quốc gia, thời gian thực học cho mỗi cấp độ phải mất một năm (12 tháng) mới kết thúc chương trình học và thi mãn khóa.


Ngoài ra nhằm mục đích trẻ hóa và bổ sung đội ngũ giảng viên, hằng năm Trung tâm còn tuyển các sinh viên vừa tốt nghiệp hạng Giỏi và Cận giỏi (có qua thực tập giảng dạy tại Trung tâm; được Ban Giám đốc trung tâm dự giờ và đánh giá). Đây là một giải pháp mang tính tích cực và hữu hiệu, tạo nên sự tương tác và sự nối tiếp truyền thống của Trung tâm qua các thế hệ, đồng thời góp phần tạo nên sự trẻ trung dân chủ và thân thiện – một trong những vẻ đẹp và thế mạnh của Trung tâm ngoại ngữ CENLET.


Ngoài chương trình ngoại ngữ A, B, C chính quy, Trung tâm còn mở các lớp Giao tiếp, luyện thi các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế: TOEFL, IELTS, TOEIC nhằm đa dạng hóa các loại hình đào tạo, đồng thời đáp ứng nhu cầu thực học của sinh viên và học sinh chuẩn bị du học.


Trung tâm cập nhật các giáo trình và phương pháp, kỹ thuật giảng dạy mới để củng cố và phát triển chất lượng dạy và học, luôn giữ vững uy tín của một trung tâm chuyên nghiệp có một thế đứng nhất định ở thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.


Trung tâm đã và đang nỗ lực hết mình để phát huy những thuận lợi cơ bản và khắc phục những khó khăn trên chặng đường phát triển. Một trong những ước mơ lớn của Trung tâm là có cơ sở vật chất riêng để chủ động trong việc tổ chức giảng dạy, trang bị phòng học chất lượng cao với đầy đủ nguồn tư liệu day-học cập nhật, các thiết bị nghe nhìn hiện đại đáp ứng nhu cầu của người học, theo kịp các chuẩn mục học ngoại ngữ như ở các thành phố lớn trong nước hiện nay.


Với tư cách là một tổ chức quần chúng hỗ trợ chủ trương và chính sách đổi mới của nhà nước, Trung tâm Ngoại Ngữ CENLET – đã đứng vững và phát triển trong 20 năm qua, vượt qua bao thăng trầm, giữa một thành phố có nhiều trường Đại học – là một thực thể đáng khích lệ, tự hào. Chúng tôi, tập thể thầy cô giáo của Trung tâm đã rất hạnh phúc khi tên gọi CENLET đã đi vào lòng người dân Huế như một danh từ chung có ý nghĩa gần như là ngoại ngữ. Để trả lời câu hỏi: “... Đi học thêm ngoại ngữ ở đâu?” đã có nhiều người dân ở Huế và ở các nơi khác trả lời: “đi học CENLET”, dù trong thực tế không chỉ đến Trung tâm CENLET mà là đi học ở các Trung tâm ngoại ngữ khác, ở những nơi khác.


Nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 20 của Trung tâm, chúng tôi xin chân thành tri ân sự hỗ trợ rất quý báu về mặt tinh thần của chính quyền các cấp, của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế và của Phòng Giáo dục thành phố Huế. Chúng tôi xin chân thành tri ân đặc biệt sự yêu thương tin cậy của tập thể thầy cô giáo và của học viên của Trung tâm trong suốt 20 năm qua.


Lê Văn Gioang

Đặc san 20 năm Cenlet

TRUNG TÂM NGOẠI NGỮ CENLET
20 NĂM HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN,
NHÌN TỪ GÓC ĐỘ CHUYÊN MÔN


Trương Sĩ Sằn
Phó Giám đốc Trung tâm

Để có được tên tuổi của một tổ chức giáo dục thường xuyên, mang tính chất xã hội hóa như Trung tâm Ngoại ngữ CENLET ngày hôm nay thì thật không dễ dàng. Khi nhìn lại những hoạt động, thăng trầm của Trung tâm trên chặng đường dài 20 năm, các thành viên mỗi người có một cách nhìn, hoài niệm khác nhau về Trung tâm. Riêng tôi, trong phạm vi bài viết này, tôi muốn đề cập đến một trong những hoạt động chính của Trung tâm, đó là: Hoạt động chuyên môn – sư phạm.

Trước tiên tôi xin điểm qua vài nét về bối cảnh hình thành TTNN CENLET lúc bấy giờ và tôi đã được mời tham gia như thế nào.

Vào khoảng cuối năm học 1988-1989, khi tôi đang dạy tiếng Anh, đồng thời là Tổ trưởng bộ môn ngoại ngữ tại Trường PTTH Quốc Học - Huế, anh Lê Văn Gioang (*) lúc bấy giờ là Tổ trưởng ngoại ngữ trường THPT Gia Hội, trong một dịp gặp tôi ở trường Quốc học Huế, đã cho biết anh sắp mở một Câu lạc bộ Giáo viên Ngoại ngữ ở Huế và ngỏ ý mời tôi tham gia. Tôi trả lời với một sự hưởng ứng tích cực, song trong suy nghĩ của mình, tôi vẫn cho rằng việc hình thành một trung tâm ngoại ngữ ở Huế vào lúc này chắc không dễ dàng, bởi lẽ thành phố Huế vốn nhỏ bé; trong khi đó đã có TTNN trường Đại học Sư phạm Huế đã hình thành và hoạt động nhiều năm trước đó rồi.

Vào cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, phong trào học thêm ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, ở Huế cũng như nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước bắt đầu khởi sắc. Đây là lúc đất nước bước vào thời kỳ mở cửa; xã hội bắt đầu có những chuyển biến tốt về mặt ngoại giao, kinh tế cũng như xã hội. Do vậy, ngoại ngữ là chìa khóa, công cụ cần thiết để nâng cao hiểu biết, mở rộng tầm nhìn và phục vụ chuyên môn công tác ở mọi ngành nghề. Xuất phát từ tình hình thực tiễn khách quan đó, TTNN CENLET đã ra đời rất đúng thời điểm và gặp nhiều thuận lợi.

Trải qua chặng đường khá dài – 20 năm, bên cạnh những thành công ngoài mong ước trong thập niên đầu, Trung tâm cũng đã có những năm tháng khó khăn, vất vả ... vì nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Tuy nhiên, nhìn chung, cho đến nay Trung tâm đã có được một bề dày về uy tín và chất lượng; được nhân dân ở địa phương và sinh viên, học sinh yêu mến tin cậy.

----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
(*) Từ tháng 10/1989 – tháng 9/1993: Anh Lê Văn Gioang được Sở GD-ĐT Thừa Thiên Huế bổ nhiệm làm Chuyên viên ngoại ngữ (phụ trách tiếng Anh và tiếng Pháp), dưới thời Anh Lê Phước Thúy, Giám đốc Sở.
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------


Nhìn lại những hoạt động của Trung tâm trong thời gian qua, tôi có thể rút ra một bài học kinh nghiệm cho sự phát triển bền vững của Trung tâm, đó là: (1) khả năng điều hành lãnh đạo chung của Giám đốc trung tâm, (2) đội ngũ giảng viên mạnh về chuyên môn, giàu kinh nghiệm và nhiệt tình, (3) khả năng tổ chức và quản lý về mặt chuyên môn, nền nếp của Trung tâm.

Trong bất kỳ một tổ chức, đơn vị nào, thì năng lực lãnh đạo của người đứng đầu đơn vị đó là vô cùng quan trọng; nó quyết sự thành bại, sự tồn tại và phát triển của đơn vị đó. Trung tâm CENLET, từ một tổ chức giáo dục tự phát của xã hội, dần dần đã được công nhận về mặt nhà nước và được nhân dân tín nhiệm trong suốt 20 năm qua. Điều này đã nói lên khả năng điều hành của Giám đốc Trung tâm. Anh Lê Văn Gioang không những giỏi về chuyên môn (2 ngoại ngữ: tiếng Pháp và tiếng Anh) và kinh nghiệm dạy học nhiều năm, anh còn là người có đủ tài năng, uy tín và tâm huyết để lãnh đạo một tập thể lớn với nhiều giảng viên được qui tụ từ nhiều nguồn: các trường đại học, trung học phổ thông, và từ các tổ chức khác trên địa bàn thành phố.

Yếu tố thành công thứ hai là đội ngũ giảng viên, có tính chất quyết định về chất lượng dạy và học. Giảng dạy ở các trung tâm ngoại ngữ thường có những nét đặc thù, không giống như giảng dạy ở các trường công lập. Học viên là đối tượng hoàn toàn tự nguyện, không bị ràng buộc bởi nội qui kỷ luật của trường. Học viên tự do chọn lớp học (cùng cấp độ) và thầy cô giáo. Chính vì vậy, giảng viên phải nỗ lực làm việc nhiều hơn, có sức hấp dẫn,thu hút học viên như những “diễn viên” trên sân khấu. Điều này cũng chính là nguyên tắc tồn tại ở TTNN CENLET về cả hai phía – bản thân giáo viên và trung tâm. Muốn tồn tại ở Trung tâm, phần lớn giáo viên đã không ngừng phấn đấu vất vả, trau giồi kiến thức chuyên môn và tay nghề để ngày càng có uy tín, giảng dạy có chất lượng. Điều đáng mừng là không ít giảng viên, sau một thời gian gắn bó với Trung tâm, đã tạo được uy tín cho mình. Rất nhiều học viên khi đến đăng ký nhập học đã nêu rõ nguyện vọng muốn được học với thầy giáo X, cô giáo Y mà thôi. “Hữu xạ tự nhiên hương” là vậy!

Yếu tố thành công thứ ba là Ban điều hành Trung tâm luôn quan tâm phát huy, đẩy mạnh về mặt chuyên môn-sư phạm – dạy và học. Từ lúc Trung tâm thành lập cho đến nay, công việc quản lý về mặt chuyên môn của trung tâm đã không ngừng bổ sung, cải tiến và hoàn thiện nhằm đạt được hiệu quả tốt nhất trong công tác dạy và học. Quá trình đó được đánh dấu bởi hai giai đoạn chính như sau:

Giai đoạn 1: Được sự bảo trợ chuyên môn của Đại học Tổng hợp Hà Nội từ tháng 7/1989 đến 6/1994.

Trung tâm CENLET đã hình thành trước khi Bộ GD-ĐT có những chỉ đạo cụ thể về mặt chuyên môn, chương trình dạy-học. Vào lúc đó, việc soạn chương trình giảng dạy, chọn SGK cũng như cấp chứng chỉ ngoại ngữ mãn khóa học đều do các trường đại học chịu trách nhiệm. Theo đó, thời gian đầu (1989-1994), TT CENLET đã nhờ trường Đại học Tổng hợp Hà Nội bảo trợ về mặt chuyên môn, và cấp chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C. Sau đó, Trung tâm đã được Bộ GD-ĐT kiểm tra về nội dung và chất lượng đào tạo trước khi ra quyết định cho phép cấp các chứng chỉ tiếng Anh và Pháp A, B, C (chứng chỉ A: 10/1991; chứng chỉ B: 9/1992 và chứng chỉ C: 6/1994).

Giai đoạn 2: Giai đoạn độc lập và tự quản về chuyên môn từ 6/1994 đến nay 2009
Trung tâm ngoại ngữ CENLET được thành lập khá sớm (1989), trong khi đó, mãi đến ngày 12/7/1990 Bộ GD-ĐT có Quyết định số 690/QĐ-ĐTTC, hướng dẫn về công tác đào tạo tại chức. Và sau đó ngày 30/01/1993, Bộ GD-ĐT ra Quyết định số 117/ QĐ/TCBT ban hành chương trình thực hành tiếng Anh cho hệ tại chức các cấp (cấp độ A: Elementary, B: Intermediate, C: Advanced) thay thế chương trình tiếng Anh A, B, C ban hành ngày 12/7/1990.

Trên thực tế, ở khu vực miền Trung, mãi đến tháng 7/1994, Bộ GD-ĐT mới triệu tập cuộc họp triển khai thực hiện QĐ số 117/QĐ-TCBT, tổ chức tại Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng với sự chủ trì của ông Nguyễn Nhật Quang, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên. Theo đó, quỹ thời gian cho mỗi cấp độ là: Chững chỉ A: 400 tiết; B: 400 tiết, C: 450 tiết. Kèm theo đó có bộ đề thi mẫu “Dạng thức đề thi tiếng Anh trình độ A, B, C” (Specimen tets); còn về chương trình giảng dạy và giáo trình do các trường đại học hoặc trung tâm ngoại ngữ tự chọn.

Sau cuộc họp này, 3 trung tâm ở Huế: NACENFOL (Đại học Sư phạm Huế), Trung tâm Ngoại ngữ ĐH Tổng hợp Huế và Trung tâm CENLET đã họp bàn và thống nhất về chương trình học, giáo trình và thời lượng cho mỗi cấp học như sau:

¬ Về giáo trình: Sử dụng bộ SGK Headways thay cho bộ SGK Streamlines (đã dùng trong nhiều năm).

¬ Về thời gian khóa học: Trình độ A & B:10 tháng (6 tiết/tuần x 43 = 258tiết); trình độ C: 11 tháng (6 tiết/tuần x 47 = 282tiết).

Số tiết trên đây, so với qui định chuẩn của Bộ GD-ĐT còn thấp. Tuy nhiên, so với chương trình phổ thông thì nhiều gấp đôi. so (3 tiết/tuần x 9 tháng). Một lý do khách quan khác khiến các trung tâm ngoại ngữ không thể kéo dài thời gian học vì lẽ nếu áp dụng theo qui chuẩn của Bộ (400-450 tiết/cấp dộ) thì học viên cần phải tới 2 năm mới trải qua được một cấp độ; và phải mất từ 5 – 6 năm học tập nghiêm túc mới đạt được 3 chứng chỉ A,B&C – còn nhiều hơn thời gian hoàn thành chương trình đại học tại chức. Như vậy sẽ không thể có trung tâm nào có thể tồn tại lâu dài ở khu vực miền trung!?

Như đã phân tích ở trên, mặc dù với quỹ thời gian cho mỗi cấp độ ít hơn so với Bộ GD-ĐT, nhưng Trung tâm CENLET vẫn áp dụng một chương trình dạy-học và SGK theo trình độ chuẩn tiếng Anh quốc tế (Bộ SGK Lifelines: Book 1: Elementary; Book 2: Pre-Intermediate; Book 3: Intermediate). Về đề thi cũng bám sát chương trình day và học, nên có thể khẳng định rằng: nếu học viên học tập tích cực và nghiêm túc thi về mặt kiến thức và kỹ năng ngôn ngữ vẫn đạt được trình độ tương đương như Bộ GD-ĐT đã qui định.

Những biện pháp tích cực nhằm hỗ trợ cho công tác dạy và học tại Trung tâm trong nhưng năm qua, và đã mang lại kết quả nhất định, tạo uy tín cho Trung tâm đó là:

1. Quan tâm nghiên cứu, cung cấp và tài liệu bổ trợ cho giảng viên:
Để giảng dạy có hiệu quả và có chất lượng, ngoài năng lực và kinh nghiệm của giảng viên ra, Trung tâm cần phải có một bộ sách giáo khoa chính phù hợp và cập nhật về nội dung ngôn ngữ, về hình thức trình bày cũng như phương pháp giảng dạy. Song song với giáo trình chính, Trung tâm đã giớ thiệu, cung cấp có thêm nhiều tài liệu băng cassettes, đĩa CD để giáo viên tham khảo và áp dụng vào các hoạt động giao tiếp trên lớp, tạo được không khí vui tươi thoải mái giữa thầy và trò; học viên sẽ được cuốn hút theo những trò chơi, bài hát, câu đố ... có mục đích học tập theo chủ đề ngôn ngữ.

2. Kiểm tra định kỳ (progress tests) và kiểm tra học kỳ (semester tests)
Việc kiểm tra định kỳ được thực hiện nghiêm túc và đầy đủ ở các lớp theo chương trình dài hạn 10 – 11 tháng. Nhằm giúp cũng cố kiến thức đã học cũng như đánh giá quá trình học tập sau 2–3 tháng, học viên sẽ làm một bài kiểm tra định kỳ sau khi học xong 4 –5 units (tùy theo phân bố của mỗi giáo trình). Và sau khi hoàn tất mỗi học kỳ (5 tháng), học viên sẽ làm bài Kiểm tra học kỳ có dạng thức tương tự như đề thi mãn khóa. Tác dụng của các bài kiểm tra này giáo viên theo dõi được mặt mạnh và mặt yếu của học viên, điều chỉnh phương pháp dạy-học; đồng thời giúp các em tự đánh giá về trình độ của mình và nỗ lực nhiều hơn trong tương lai. Về mặt tâm lý, những học viên chuyên cần chăm chỉ sẽ cảm thấy phấn khích hơn khi đạt kết quả cao trong những bài kiểm tra này!

3. Đổi mới phương pháp dạy-học
Một trong trong thuận lợi lớn của Trung tâm là giáo viên đã được Trung tâm tuyển chọn phần lớn là giáo viên dạy giỏi của tỉnh và thành phố. Khi đến với Trung tâm, những giáo viên này được rèn luyện và phát huy thêm nhờ những yếu tố của môi trường sau đây:
- Môi trường sư phạm của TT CENLET là môi trường năng động, đoàn kết, gắn bó vói nhau như trong một gia đình.

- Mỗi giáo viên đã đến với Trung tâm và tồn tại ở Trung tâm tất yếu phải chấp nhận một thực tế là có sự thách thức về trình độ, về nghệ thuật giảng dạy và vì yêu cầu cao của học viên “rất khó tính và đa dạng”!

- Bản thân mỗi giáo viên, vì đã trót yêu nghề và gắn bó với nghề thầy, đã xác định và quyết tâm không ngừng học tập bằng nhiều hình thức: tự học, theo đuổi các chương trình học bổng dài hạn quốc tế, trao đổi kinh nghiêm với đồng nghiệp có nhiều kinh nghiệm hơn, cập nhật tài liệu, kỹ năng tiếp cận các phương tiện dạy-học hiện đại và, trong chừng mực nào đó, có sự hỗ trợ của Trung tâm. Dạy học là quá trình không ngừng học tập! (Teaching is a never-ending process of learning.)

- Ban Giám đốc Trung tâm thường xuyên quan tâm giúp đỡ, sâu sát với giáo viên để hỗ trợ thông qua dự giờ thăm lớp, đúc rút kinh nghiệm, đặc biệt những giáo viên mới tham gia giảng dạy.

- Giáo viên có nhiều cơ hội để được cử đi tập huấn các lớp bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy ngoại ngữ do Bộ Giáo dục-Đào, Sở Giáo dục-Đào tạo TT Huế, hoặc các tổ chức nước ngoài tổ chức. Kết quả có nhiều giáo viên dạy giỏi của Trung tâm đã trở thành giảng viên sư phạm tiếng Anh (teacher trainer) của tỉnh cũng như của khu vực: Cô Tôn Nữ Thu Nguyệt, Cô Hồ Thị Tân Hoa, cô Hoàng Thị Lệ, cô Thân Trọng Mỹ Hảo ...

- Việc Trung tâm CENLET có được một đội ngũ giảng viên giỏi, cập nhật được những phương pháp, kỹ thuật giảng dạy mới, rất có lợi cho học viên của Trung tâm nhưng đồng thời cũng có tác động tích cực trở lại với môi trường giảng dạy ngoại ngữ ở phổ thông của tỉnh và thành phố. Đây cũng chính là mặt mạnh của Trung tâm CENLET – nơi đã tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên thể nghiệm kỹ thuật, đường hướng giảng dạy mới, tích cực và hiệu quả. Điều mà phần lớn giáo viên phổ thông yêu nghề, có tâm huyết luôn trăn trở về chất lượng dạy-học ở trường phổ thông nhưng không thực hiện được bao nhiêu do những hạn chế về chương trình học quá nặng nề, trong lúc đó quỹ thời gian cho phép quá hạn hẹp (2-3 tiết/tuần).

4. Tuyển chọn giáo viên và bổ sung đội ngũ giảng dạy
Nhằm mục đích bổ sung đội ngũ giảng viên có năng lực chuyên môn giỏi, có tay nghề vững vàng, sớm được tiếp cận với môi trường sư phạm của CENLET và sẵn sàng thay thế những giáo viên lớn tuổi hoặc chuyển công tác, trung tâm CENLET hằng năm đều có thông báo tuyển giảng viên vào dịp cuối hè (tháng 8). Tiêu chí tuyển chọn khá cao: Trung tâm chỉ tiếp nhận những hồ sơ có thành tích học tâp tốt và kết quả thi mãn khóa đại học xếp loại giỏi, hoặc khá - điểm tốt nghiệp từ 7.5 trở lên. Ngoài ra, ứng viên phải dự 1-2 tiết của giáo viên CENLET, và sau đó sẽ dạy thử 1-2 tiết. Chỉ có những ứng viên có giờ dạy đạt loại Tốt hoặc có triển vọng Tốt mới được tiếp nhận.

5. Tổ chức các kỳ thi mãn khóa cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc gia.
Hằng năm Trung tâm tổ chức các Kỳ kiểm tra kết thúc khóa học và cấp chứng chỉ A, B, C theo định kỳ: cuối tháng 2, cuối tháng 5, cuối tháng 8 và cuối tháng 10.
Tất cả các kỳ kiểm tra đều được tổ chức và tiến hành một cách nghiêm túc, khoa học, và khách quan, theo đúng qui định của Bộ GD-ĐT. Qua các đợt kiểm tra của phòng chức năng Giáo dục Thường xuyên của Sở GD-ĐT TT Huế, những kỳ thi mãn khóa tại TTNN CENLET đã được đánh giá tốt về hình thức tổ chức cũng như chất lượng.

6. Chất lượng đào tạo
Trong 20 năm qua TT CENLET đã góp phần đào tạo rất nhiều thế hệ học viên, nâng cao trình độ ngoại ngữ tiếng Anh – Pháp, tạo điều kiện cho họ thành đạt trong sự nghiệp học tập cũng như công tác sau này. Đối tượng của TT CENLET không chỉ là học sinh, sinh viên của riêng thành phố Huế, tỉnh TT Huế, mà còn từ nhiều tỉnh khác đến học tập nghiên cứu tại các trường đại học và cao đẳng ở Huế, bởi Huế vốn là ‘đất học’ – cái nôi của tri thức và văn hóa ở miền Trung.

Học viên theo học ngoại ngữ tại Trung tâm không nhằm một mục đích duy nhất là để có chứng chỉ ngoại ngữ quốc gia A, B, C mà còn để trau giồi ngoại ngữ một cách có hệ thống và lâu dài. Rất nhiều học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh và Quốc gia cũng đã từng là học viên của trung tâm, hiện nay đã tiếp tục học lên cao trong nước cũng như nước ngoài rất thành đạt. Tôi có thể đơn cử một số học sinh cũ của Ttrung tâm mà tôi biết rõ như sau:

- Một trong những học viên cũ xuất sắc khi tôi còn trực tiếp giảng dạy đó là Lê Thị Thanh Trúc ở lớp tiếng Anh, trình độ B năm 1990. Thanh Trúc là học sinh lớp 10 chuyên Anh trường Quốc học. Năm 1993 Trúc đạt giải nhì môn tiếng Anh Quốc gia, tốt nghiệp ĐHSP tiếng Anh (loại giỏi) năm 1997, giảng dạy tại trường Cao đẳng SP Huế từ 1993, du học Úc và tốt nghiệp Master. Từ năm 2002 đến 2003, Thanh Trúc tham gia giảng dạy các lớp IELTS & TOEFL tại Trung tâm; hiện nay là giảng viên của nòng cốt của Trường CDDSP Huế và Trung tâm ngoại ngữ của Trường.

- Người học viên thứ hai mà tôi biết rõ đó là Bác sĩ Văn Công Trọng, hiện nay là Trưởng phòng Hành chánh Tổng hợp Bệnh viện Trung ương Huế. Bs Trọng là một trong những người có ý chí học tập cao, giỏi cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp, đã theo theo học các lớp C và tiếng Anh giao tiếp “trên C” trong nhiều năm. Hiện nay đã tốt nghiệp cử nhân tiếng Anh. Sự kiên trì học tập ngoại ngữ đó đã giúp cho Bs Trọng rất nhiều trong việc giao dịch trực tiếp với chuyên gia nước ngoài mà không cần phiên dịch.

- Một học viên cũ của Chi nhánh trung tâm CENLET Phú Bài cũng đã thành công trên con đường học tập ngoại ngữ và cuối cùng đã trở thành giảng viên năng động, thu hút học viên, đó là cô Trương Thị Hoàng Liên.

- Đối tượng có triển vọng thành đạt rất nhiều là học sinh trường THCS Nguyễn Tri Phương. Tôi còn nhớ có 2 em Hoàng Trọng Minh Tuấn và Hoàng Trọng Minh Vỹ (con của Bs. Hoàng Trọng Thản, công tác tại Bệnh viện Huế). Vỹ đạt học bổng của chính phủ Singapore, du học sinh cấp 3, sau đó đạt học bổng du học tại Hoa Kỳ. Chắc chắn với sự chuẩn bị rèn luyện kỹ năng ngoại ngữ từ rất sớm, các em có thể bay cao và bay xa trong môi trường học tập khoa học kỹ thuật hiện đại, cạnh tranh về chất xám của khu vực và thế giới.

* * *

Nhìn lại qua hai mươi năm hoạt động, không ngừng nổ lực để đưa chất lượng đào tạo, chuyên môn giảng dạy lên hàng đầu, trung tâm CENLET có thể tự hào là đã đạt được một số thành quả đáng tự hào. Từ viết tắt CENLET đã trở thành một “thương hiệu”, một danh từ chung - để gọi tất cả những người đi học thêm ngoại ngữ ban đêm, bất kể đi học tại một trung tâm nào khác trong thành phố, hoặc thậm chí ở thành phố khác!

Trương Văn Minh


HIẾU HỌC KHÔNG BẰNG VUI KHI HỌC

Hai mươi năm nhìn lại, tôi thật sự vui mừng với những bước tiến của Trung tâm Ngoại ngữ CENLET. Là một trong các thành viên cộng tác đầu tiên với Trung tâm, tôi hiểu rõ những khó khăn thuở ban đầu ấy, dù cá nhân tôi, bởi những lý do riêng, sau bảy năm nhiệt tình tham gia với anh em, phải chuyển sang làm việc ở ngành khác. Nhưng ở bất cứ đâu, lúc nào, tôi luôn luôn nghĩ về CENLET và thật mừng mỗi khi được tin Trung tâm đạt được những thành quả đáng khích lệ.

Nhân kỷ niệm hai mươi năm ngày thành lập Trung tâm, tôi hồi tưởng một số chuyện vui trong quá trình bảy năm tôi cộng tác, xin ghi lên đây hầu làm món quà nhỏ cho các đồng nghiệp và các học viên hiện tại của Trung tâm.

Kỷ niệm thì nhiều. Vui buồn lao đao thuở ban đầu điều có, nhưng tôi vốn chóng quên những chuyện buồn phiền khổ não, chỉ còn lại trong tâm tư những gì làm cho mình và các bạn phấn chấn mỗi khi nhắc lại mà thôi.

Hồi đó tôi cùng các anh Hồ Trân, Trương Sĩ Sằn, Lê Xuân Bân được anh Lê Văn Gioang, Giám đốc Trung tâm, phân công tổ chức các khoá học. Riêng tôi, thường sau mỗi khoá học được khai giảng, tôi vừa làm công tác kiểm tra lớp học vào các tối thứ hai, tư, sáu, vừa nhận phụ trách giảng dạy một lớp Pháp văn chứng chỉ A vào các tối ba, năm, bảy. Hồi ấy, tiếng Anh đang là “mode” thời thượng, khoá nào học viên cũng rất đông,  rất nhiều lớp. Pháp văn thì ngược lại, học viên thường rất ít. Học viên lớp tôi phụ trách  đa số là sinh viên học tiếng Pháp ngoại ngữ II ở đại học, hoặc các học viên lớn tuổi đã biết ít nhiều tiếng Pháp, bây giờ đến lớp để củng cố, ôn lại những gì đã học ngày xưa.

Khoá nào cũng vậy, khi mới khai giảng, học viên lớp tôi rất ít, nhưng sau vài buổi học là họ rủ nhau đến học rất đông, sĩ số thường lên tới trên 60. Vì quá đông, nhiều lúc Trung tâm muốn chia thành hai lớp nhưng học viên không chịu, chỉ thích cùng nhau học trong một lớp.

Thỉnh thoảng, anh Trương Sĩ Sằn đi thăm dọc hành lang các lớp để nắm tình hình học viên, có lần, anh ngạc nhiên vì sao lớp tôi đông mà học viên rất nề nếp, chăm chỉ, thỉnh thoảng lại vang vọng những tiếng cười sảng khoái rồi chợt im nghiêm túc nghe giảng, trong khi thầy giáo thường không đổi sắc mặt. Tôi đã trả lời anh như sự thật: mỗi lần lồng vào bài giảng một câu chuyện vui nào đó có liên quan đến bài học mà nét mặt thầy giáo vẫn tỉnh queo, như vậy chẳng khác gì mình cầm cái bơm, một tay đẩy bơm rất mạnh, tay kia bịt kín lỗ thoát hơi ở đầu bơm, học viên thấy thầy giáo không đổi sắc mặt, cũng ngại, chịu khó nín cười. Đến lúc nín quá chịu không nổi thì cả lớp vỡ oà cười thoải mái. Thế là bao nhiêu cơn buồn ngủ, hoặc mệt mỏi đều tiêu tan. Rồi cả lớp trở lại yên ắng.

Phần nhiều học viên lớp đêm thì hoặc là sinh viên, học sinh, hoặc công nhân viên chức, nghĩa là ban ngày họ đã làm việc, tối đến tinh thần và thể chất đã phần nào sút giảm, cho nên giáo viên đứng lớp cần dung hoà nhuần nhuyễn bài giảng của mình, nhiệt tình quá mà truyền giảng thuần tuý kiến thức mải miết qua từng buổi học thì có khi bị quá tải mà mình không biết. Trái lại, nếu kể chuyện vui nhiều quá thì sẽ lệch mục tiêu. Học viên đến Trung tâm là để học ! Chuyện vui lồng vào bài học chỉ là để gây cho học viên vài giây phút hưng phấn nhằm xua tan mệt mỏi vốn là bạn đồng hành với cơn buồn ngủ lúc đầu hôm.

Chuyện vui học đường thì nhiều, nhưng để đưa vào buổi học thì phải chọn thời điểm thích hợp. Mỗi khoá học gồm 10 tháng, tháng đầu tiên nặng về ổn định nề nếp, cung cấp kiến thức cơ bản theo bài học. Chỉ khi nào thấy học viên uể oải vì mệt mỏi, tôi kể một câu chuyện nhỏ, khoảng năm mươi giây hoặc một phút. Buổi học cuối tháng để tổng kết học tập và sinh hoạt lớp, tôi kể một chuyện dài, chừng năm ba phút trước hồi trống bãi.

Xin kể lại một số trường hợp mà tôi nghĩ mình đã khá thành công khi chuyển tải tinh thần giáo dục của người xưa: Hiếu ư học bất như duyệt ư học! Có nghĩa là hiếu học không bằng vui khi học.

Một buổi học chứng chỉ A khoá học năm 1992 còn khoảng 2 phút là hết giờ, tôi bắt đầu bằng một câu hỏi:

- Hồi chưa có điện thoại di động, có khi nào chỉ với một mẩu giấy không lớn hơn hột nút áo, các bạn có thể gởi cho người yêu của mình một tin nhắn rất nghiêm túc với đầy đủ nội dung mình muốn diễn đạt?

Một số học viên nhanh nhẩu:
- Không thể, thưa thầy một trang giấy cũng chưa đủ!
- Các anh chị nghe đây: Một hôm có một cô gái xinh đẹp muốn vào thăm người yêu của mình đang nằm viện nhưng bác sĩ có lệnh cấm bất cứ bạn gái nào vào thăm anh trong thời điểm đó. Bác sĩ cho bệnh nhân biết có một cô gái muốn vào thăm anh nhưng chưa được phép vào hôm nay. Nói xong, bác sĩ đưa cho bệnh nhân một mẩu giấy bằng 1cm2 và bảo anh muốn nhắn gì cho bạn gái thì hãy viết lên đó. Suy nghĩ một lúc, người bệnh viết lên mẫu giấy hai chữ cái: G.a và nhờ trao lại cho bạn gái mình. Nhận được thư, cô gái mừng rỡ thấy rõ và yên tâm về nhà. Vậy các bạn có nghĩ ra bệnh nhân đó muốn nói gì với cô người yêu của mình không?

Cả lớp:
- Dạ không, không !
- Các bạn thấy dạng chữ G so với chữ a thì thế nào?
Cả lớp: G lớn, a nhỏ
- Tốt lắm. Các bạn dịch câu đó sang tiếng Pháp coi.
Có một học viên ít chăm nhưng tính hay liều liều, đứng dậy:
- Em xin dịch
Cả lớp cười rộ
- Thưa thầy, đó là: G grand a petit
- Hoàn toàn đúng.
Cả lớp:
- Nghĩa là gì, thưa thầy?
Câu này các bạn đã học rồi, nghĩa là “Anh ăn đã ngon lắm”
Cậu học sinh khi nãy:
- Tức là: J’ai grand appétit
Cả lớp cười phá lên hào sảng.
Trống bãi một hồi dài...

* * *

Tám phút trước khi chấm dứt buổi học cuối tháng thứ hai của lớp học trên, cũng học viên liều liều đó gợi ý nhắc nhở thầy giáo kể chuyện:

- Thưa thầy, sắp trống bãi rồi!
- Vâng, ngày xưa có một phú ông sinh được một cô con gái. Khi lớn lên cô được ông gả cho một anh nông phu với vốn học Hán văn lõm bõm. Vợ phú ông qua đời khi ông ở độ tuổi trung niên. Một thời gian khá lâu sau, phú ông tục huyền với một người đàn bà còn khá trẻ. Khi ông bảy mươi tuổi thì bà sinh được một con trai, ông đặt tên là Phi.

Lúc Phi chừng lên năm, lão phú ông thấy mình đã yếu, bèn gọi chàng rể đến để dặn dò:
“Ta năm bảy mươi tuổi mà sinh con, thế thì chắc không phải con của ta. Vậy ta giao tất cả tài sản của ta cho vợ chồng anh, anh cố gắng mà giữ gìn chắt chiu chứ tuyệt nhiên không cho ai khác. Tuy nhiên, dù sao thằng Phi cũng đã được sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà này, vợ chồng anh cũng nên nuôi nấng nó cho tử tế, cho nó ăn học đàng hoàng là được, và chỉ thế thôi”. Nghe xong, chàng rể thưa: “Thưa cha chúng con vô cùng cảm ơn cha, nhưng “Khẩu thiệt vô bằng”, xin cha viết cho chúng con tờ di chúc”. Phú ông mỉm cười đôn hậu và nói: “Ta viết sẵn đây rồi, anh hãy đọc đi”. Nội dung tờ di chúc rất ngắn gọn:

“Ngã thất thập nhi sinh phi ngô tử giả kỳ gia tài giao dự tử tế ngoại nhân bất đắc lộng hành chiếm đoạt”.

Nên nhớ chữ Hán ngày xưa không có chữ hoa khi viết danh từ riêng, cũng không có dấu chấm câu, phết phẩy... Tuỳ vào nội dung văn bản mà người đọc ngắt câu, do vậy sự ngắt câu không chuẩn có thể làm thay đổi hẳn nội dung văn bản.

Trước khi giao bản di chúc cho cậu rể, phú ông mở tờ ra và đọc với các ngắt câu như sau:

“Ngã thất thập nhi sanh/ phi ngô tử giả/ kỳ gia tài giao dự tử tế/ ngoại nhân bất đắc lộng hành chiếm đoạt”.
Nghĩa là:
“Ta bảy mươi tuổi mà sinh, ấy không phải là con của ta vậy, số gia tài giao cho con rể, người ngoài không được lộng hành chiếm đoạt”.

Trong chữ Hán, các từ đồng âm dị nghĩa với chữ phi có rất nhiều, chẳng hạn:
- Phi: chẳng phải (phi lý, phi nghĩa)
- Phi: bay (phi cơ, phi trường)
- Phi: to lớn (phương phi)
- Phi: vợ thứ của vua (cung phi, mỹ nữ)

Phú ông lại lấy chữ phi thứ nhất (nghĩa là chẳng phải) để đặt tên cho con trai mình và cũng đã ghi vào gia phả như thế.

Nhận được di chúc cậu con rể yên chí giữ gìn cái tài sản kếch xù kia rất chu đáo cho mình, đồng thời cũng nuôi nấng thằng Phi ăn học đàng hoàng.

Đến khi thằng Phi lớn lên, học hành thành tài. Một hôm nó nghe bà con láng giềng kể chuyện ngày xưa cha nó rất giàu có, nhưng sao anh rể và chị gái nó không hề đề cập gì, bèn hỏi chuyện anh rể về gia sản của cha nó. Anh này dương dương tự đắc kể lại cách thức ông già đã để lại tài sản và tờ di chúc: Phi xin đọc, người anh rể tự tin mở hộp lấy di chúc đưa cho em vợ và bảo nó: “Cậu sẽ thấy trong di chúc này cha để lại toàn bộ tài sản cho vợ chồng tôi”. Thằng Phi cầm đọc tờ di chúc. Xong, nó hiểu ý cha mình muốn gì.

Thưa anh, nó lễ phép nói với anh rể, tất cả gia sản này là của em. Để em đọc anh nghe:

Ngã thất thập nhi sanh Phi/ ngô tử giả/ kỳ gia tài giao dự tử/ tế ngoại nhân bất đắc lộng hành chiếm đoạt”.

Nghĩa là: “Ta bảy mươi tuổi mà sinh thằng Phi, ấy là con của ta vậy. Số gia tài giao cho con, rể là người ngoài không được lộng hành chiếm đoạt”.

Nghe thế, anh rể giận dỗi cãi lại. Hai anh em cãi nhau rất lớn chuyện, người chị gái của Phi thấy thế bèn đề nghị lên thưa với quan huyện nhờ phân xử.

Quan huyện đọc bản di chúc, liền bảo:

- Bây hãy đem gia phả nhà bây đến ta xem. Nếu chữ Phi trong gia phả cũng được viết cùng chữ Phi trong di chúc thì tất cả tài sản này là thuộc về thằng Phi và cha chúng bây đã mượn tay người rể giữ gìn gia sản cho thằng Phi.

Và quả nhiên, tên thằng Phi viết trong gia phả cũng là chữ Phi trong di chúc. Kết quả: Tất cả tài sản bây giờ thuộc về thằng Phi.

Xem thế việc chấm phẩy trong câu rất quan trọng. Cho nên người xưa đã nói: “sai con toán bán con trâu, sai ngắt câu tiêu tùng gia sản” là thế.

* * *

Thông thường, cuối tháng thứ ba, tôi thường kể cho các học viên những câu chuyện mang ý nghĩa nhân văn, nhưng khá trào phúng. Một trong các câu chuyện được học viên hưởng ứng có nội dung sau:
Một hôm, một nhóm thương gia bốn người thuộc bốn quốc tịch khác nhau, cùng đi ngoạn cảnh ở Việt Nam vào lúc mà ngành du lịch của ta ngày ấy còn non trẻ. Tất nhiên, cả bốn du khách cùng ở một khách sạn. Buổi sáng, vào bữa điểm tâm, nhà hàng phục vụ mỗi người một ly sữa. Nhưng cậu chạy bàn nhà hàng lơ đễnh, trên mỗi ly sữa lềnh bềnh một con ruồi mà cậu ta không hay biết.
Khi người khách thứ nhất nhìn thấy con ruồi trong ly sữa mình thì lẳng lặng đi ra ngoài, không có một lời nào. Trước đó, cậu bồi bàn nghe ông ta chào mọi người: Bonjour, bonjour.

Thấy ông ta nhẹ nhàng đi ra, cậu bồi bàn nói thầm:

- Cái ông người Pháp này không thích sữa!

Đến đây cậu bồi bàn bắt đầu để ý quan sát. Bỗng cậu ta luống cuống vì thấy trong mỗi ly sữa của khách đang trôi nổi một con ruồi. Nhưng đã lỡ rồi đành cứ để vậy. Vả chăng, chúng ta mới thoát khỏi chiến tranh, nên ai cũng thương khổ bỏ qua!

Đến người khách thứ hai, khi thấy con ruồi trong ly mình, ông liền cầm ly ném toé xuống nền nhà, rồi phừng phừng bỏ đi. Cậu bồi bàn nói nhỏ: Ông hẳn là người Mỹ. Nóng nảy quá. Họ còn trẻ!

Người khách thứ ba, rõ ràng là một người châu Á, sau khi trông thấy con ruồi trong ly mình ông suy nghĩ đăm chiêu một hồi, cầm ly sữa ngắm ngắm một chút rồi nghiêng ly đổ bớt một phần sữa trên mặt ly qua một cái ly to bên cạnh. Xong, ông uống hết phần sữa còn lại, vui vẻ bước ra sân.

Cậu bồi bàn nói thầm, như nói với chính mình:

- Đúng rồi, nếu có vi trùng từ con ruồi toả ra, thì cũng chỉ mới bơi bơi trên mặt sữa mà thôi, phần còn lại vẫn tinh khiết như thường!

Ông khách thứ tư, bồi bàn thấy vừa quen quen, vừa lạ lạ, không xác định được quốc tịch nào, chỉ thấy hao hao giống chúng mình nhưng... không phải chúng ta!

Ông ấy cũng trông thấy một con ruồi trong ly sữa. Ông nhìn nó thật kỹ rồi nhẹ nhàng bấm cái cánh của nó bằng móng tay cái và tay trỏ, giơ nó lên cao ngay trên ly sữa cho giọt mấy giọt sữa rơi xuống ly rồi uống cạn ly sữa đến giọt cuối cùng. Xong rồi, vẫn với hai móng tay bấm chặt cánh con ruồi, từ từ đưa nó vào giữa hai vành môi rồi ... chíp chíp ... chíp chíp ... vài ba lần trước khi ném nó xuống đất.

Anh bồi bàn thẩn thờ, bâng khuâng tự hỏi: ông khách này... ông... ông ấy... người nước nào... đâu đây... thấy quen quen... Hình như là láng giềng của mình!


Hồ Trân

TRUNG TÂM NGOẠI NGỮ CENLET
NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG...

Huế là một thành phố văn hoá và du lịch, một nơi có nhiều trường trung học, đại học nổi tiếng, đào tạo ra nhiều nhà trí thức lỗi lạc. Trước hoàn cảnh đất nước đổi mới, mở cửa ra thế giới bên ngoài, ý thức rằng muốn tiếp thu những tinh hoa của thế giới, chúng ta cần phải biết ngoại ngữ để giao lưu, nghiên cứu và tiếp thu những kiến thức mới và ước mong làm giàu cho đất nước nói chung và thành phố Huế nói riêng...Vì thế, ngoại ngữ đã trở thành một công cụ không thể thiếu được trong việc học tập, giao lưu, trao đổi tri thức văn hoá và khoa học, mở rộng các mối quan hệ đối với các nước phát triển.


Trong bối cảnh đó, chúng tôi một nhóm nhỏ giáo viên dạy ngoại ngữ có sáng kiến ở một trung tâm ngoại ngữ tại Huế để bổ sung và nâng cao trình độ ngoại ngữ cho các học sinh, sinh viên cũng như giúp một số người lớn, những nhà kinh doanh muốn hợp tác trao đổi làm ăn với người nước ngoài...

Sau khi bàn bạc, trao đổi với nhau, chúng tôi gồm có Lê Văn Gioang, Hồ Trân, Tôn Thất Lập, Cao Hữu Điền đã nhất trí đi tiếp xúc gặp gỡ các vị lãnh đạo tỉnh, thành phố và các cơ quan chức năng trình bày ý kiến và mục đích để xin phép thành lập trung tâm ngoại ngữ. Đặc biệt, chúng tôi được tiếp xúc với các ông Lê Phước Thuý, Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo, ông Nguyễn Văn Mễ, Chủ tịch UBND Thành phố Huế và ông Phạm Hồng Nhi, Trưởng phòng Giáo dục Huế. Đây là các vị có tâm huyết muốn nâng cao trình độ ngoại ngữ người dân xứ Huế, vì thế các vị đã đồng ý và động viên chúng tôi thực hiện ý tưởng này.

Thế là chúng tôi, một mặt bắt đầu làm các thủ tục để xin phép mở trung tâm, một mặt đi tìm và liên hệ các anh chị em giáo viên ngoại ngữ để cộng tác với chúng tôi trong việc giảng dạy. Sau khi mời được một số khá đông anh em giáo viên hợp tác, chúng tôi bắt đầu tổ chức buổi họp đầu tiên tại Trung tâm Văn Thể Mỹ, 11 Đống Đa và sau đó tại nhà anh Lê Văn Gioang để triển khai kế hoạch chuẩn bị cho sự hình thành của Trung tâm.

Văn phòng liên lạc đầu tiên đặt tại 4 Hoàng Hoa Thám, còn nơi học tập tạm thời của Trung tâm đặt tại trường Tiểu học Lê Lợi.

Sau khi nhận được giấy phép, QĐ 455/UBND (1989) chúng tôi bắt tay thực hiện ngay nhiều công việc về công tác nhân sự, tài chánh, tiến hành quảng cáo...Trước tiên, chúng tôi xin thu thập các dữ liệu liên quan đến bằng cấp, học vị của các anh em trong Ban Điều hành tạm thời cũng như các giáo viên sẽ đứng lớp. Sau khi có các dữ liệu đó rồi, chúng tôi hợp đồng phòng Thông tin Văn hoá Thành phố Huế vẽ và viết lên

pa-nô lớn danh sách các giáo viên theo từng bộ môn Anh, Pháp, Đức, Nga. Chúng tôi đã cho dựng bảng danh sách giáo viên khá lớn này trước trường Lê Lợi, phía đối diện với Bưu điện trung tâm, nơi có nhiều người qua lại hoặc vào ra giao dịch. Họ có thể nhìn thấy rõ và đọc bảng quảng cáo dễ dàng. Ngoài ra, chúng tôi còn liên hệ các cơ quan chức năng xin phép phát những tờ rơi và dán những tờ quảng cáo nhỏ lên tường. Tuy đã có giấy phép rồi, nhưng chúng tôi vẫn lo sợ, sợ vì có thể bị hiểu lầm, sợ vì có kẻ lợi dụng dán chồng lên với những nội dung khác. Cách đây 20 năm, làm gì có vi tính hiện đại để in những tờ rơi đẹp như bây giờ. Chúng tôi phải viết bằng tay, cây bút là thanh tre nhỏ đập dập một đầu nhúng vào mực xạ để viết trên tờ giấy thô màu vàng. Chúng tôi phải kết hợp với trường Lê Lợi để chỉnh trang lại các phòng học, hệ thống điện, ánh sáng để phù hợp với các lớp học ban đêm.

Ngày khai giảng đã ấn định, học viên bắt đầu ghi danh tuỳ theo trình độ các chứng chỉ A, B, C đúng qui định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hầu hết học viên đều ghi danh học tiếng Anh và tiếng Pháp, còn tiếng Đức và tiếng Nga thì số lượng học viên còn ít, không thể mở lớp được. Thời gian đầu, Trung tâm có nhiều khó khăn trong việc tổ chức giảng dạy: thiếu các thiết bị hỗ trợ cho việc luyện nghe, giáo trình chưa đủ để cung cấp cho giáo viên, ngay cả phương tiện đi lại của giáo viên cũng chỉ có chiếc xe đạp...thế nhưng, khoá học đầu tiên đã thành công ngoài sự mong đợi của Ban Điều hành và toàn thể hội đồng sư phạm.

Sau một thời gian ngắn, nguồn tài chánh tương đối ổn định, chúng tôi đã tính toán để trả thù lao cho giáo viên trong học kỳ I của khoá đầu, còn bao nhiêu chúng tôi hoàn lại số tiền mượn giáo viên và tạm thời mua một ít vật dụng cần thiết cho Trung tâm, như máy Cassette, văn phòng phẩm, v.v... Rất may là gần cuối học kỳ, chúng tôi có dịp gặp gỡ một nhà hảo tâm người Đức qua trung gian tiến sĩ Thái Thị Kim Lan. Qua trao đổi, ông Bưhmer thấy thiện chí của chúng tôi, ông đã tặng Trung tâm một số tiền mua 20 máy Cassettes TOSHIBA để hỗ trợ việc giảng dạy của giáo viên, hiện thời các máy này vẫn còn khá tốt.

Trung tâm ngày càng phát triển, học viên ngày càng nhiều, số lượng lớp ngày càng tăng, trường Tiểu học Lê Lợi không đủ phòng cho học viên học, Trung tâm đành phải rời trường đầu tiên để chuyển đến Hai Bà Trưng có nhiều phòng học hơn. Thế là bảng hiệu của Trung tâm CENLET được gắn lên dọc đường Lê Lợi, một con đường quan trọng của thành phố Huế. Một lần nữa Trung tâm lại chỉnh trang lại hệ thống ánh sáng và quạt để phù hợp với lớp ban đêm và mùa nắng nóng. Rồi với thời gian, số phòng học ở trường Hai Bà Trưng cũng không đáp ứng được nhu cầu cho số học viên đến lớp, Ban Điều hành đã xin phép để mở thêm ở trường Quốc Học, rồi sau đó qua trường Nguyễn Huệ.

Trong thời gian này, việc giảng dạy của Trung tâm đã ổn định: chương trình được thực hiện theo đúng chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thầy Trương Sĩ Sằn, chuyên viên ngoại ngữ của Sở Giáo dục-Đào tạo Thừa Thiên Huế, đồng thời là phó giám đốc phụ trách chuyên môn của Trung tâm, với sự năng động, lòng say mê, ước vọng nâng cao năng lực dạy học của các giáo viên Trung tâm nên đã bổ sung nhiều tư liệu hay thu thập được thông qua các đợt tập huấn tại Anh, Singapore, Israel... tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề, trao đổi kinh nghiệm về đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra và đánh giá... Những hoạt động này đã góp phần rất lớn trong việc nâng cao nghiệp vụ sư phạm của giáo viên, sự phát triển của Trung tâm, tác động đến việc thay đổi cách dạy và học ngoại ngữ ở các trường trung học trong tỉnh...

Từ 1991 đến 1997 là những năm cực thịnh của Trung tâm CENLET, nhưng rồi CENLET lại đi vào một giai đoạn khó khăn vừa do bởi tình hình chung của toàn quốc, vừa là sự hình thành của một số trung tâm ngoại ngữ tại Huế với phương thức cạnh tranh thiếu lành mạnh. Do đó, số lượng học viên của Trung tâm CENLET bắt đầu giảm sút một ít. Trong hoàn cảnh đó, Ban điều hành và tập thể giáo viên vẫn giữ vững lòng tin, quyết tâm giảng dạy tốt, phấn đấu đảm bảo chất lượng để giữ uy tín và sự phát triển bền vững của Trung tâm.

Cũng trong thời gian này, do đời sống kinh tế thay đổi, giá cả nhiên liệu xăng dầu tăng, vấn đề giao thông vận chuyển gặp khó khăn, nên các cơ sở xa của Trung tâm, các vùng phụ cận phải tạm nghỉ chúng tôi chỉ chú trọng vào các cơ sở nội thành, nhưng dù sao, Trung tâm cũng đã góp phần nâng cao trình độ ngoại ngữ cho học sinh, cán bộ công chức ở các vùng nông thôn theo yêu cầu của Sở Giáo dục và Đào tạo. Qua những năm tháng thăng trầm, trước những khó khăn, Trung tâm CENLET chúng tôi vẫn luôn quyết tâm và vững bước đi tới, luôn đảm bảo thương hiệu bằng uy tín giảng dạy, tác phong mẫu mực, trung thực và nghiêm túc trong thi cử, theo đúng mục đích ban đầu là đóng góp vào sự phát triển ngoại ngữ, nâng cao trình độ dân trí, văn hoá của tỉnh nhà.

Hiện nay, ngoài các lớp ngoại ngữ trình độ A,B,C được dạy học theo chỉ đạo chương trình của Bộ Giáo dục-Đào tạo, Trung tâm CENLET cũng đã mở các lớp tiếng Anh đặc biệt, như tiếng Anh giao tiếp và du lịch, luyện thi TOEIC, luyện thi TOEFL truyền thống, luyện thi TOEFL iBT qua mạng Internet online. Những lớp này do các giáo viên nước ngoài giỏi, tận tâm, giàu kinh nghiệm, các giáo viên trong nước đã tốt nghiệp MA, PhD trong nước và nước ngoài đảm trách.

Nhìn lại 20 năm qua, cho dù có những bước thăng trầm, CENLET vẫn luôn đứng vững, có uy tín và đóng góp với thành phố một phần trong việc đào tạo ngoại ngữ cho giới trẻ, giúp thành phố đi lên, theo kịp đà phát triển của đất nước trong thời kỳ phát triển và hội nhập. Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới, Trung tâm CENLET cố gắng vươn lên nữa, tìm những đường hướng mới để phát triển. Bằng mọi cách Trung tâm sẽ nghiên cứu các giáo trình hay, tốt, phù hợp cho mọi đối tượng học viên, đồng thời tuyển chọn những giáo viên giỏi, nhiệt tình và có kinh nghiệm để đáp ứng các yêu cầu về chất lượng dạy học, lòng tin yêu của các học viên, sự tin tưởng của quý lãnh đạo tỉnh, thành phố trong nhiều năm qua.


Dương Thị Hoàng Oanh

Trung Tâm Ngoại Ngữ Cenlet và những kỷ niệm khó quên …
Dương Thị Hoàng Oanh, PhD
Đại Học Huế


Nhắc đến Huế, không ai không biết đến trường Trung học Phổ thông Quốc Học và Hai Bà Trưng. Nhắc đến hai ngôi trường này, không ai lại không biết đến đó vốn là nơi đặt “tổng hành dinh” của một trung tâm ngoại ngữ đã ra đời từ lâu, đã có một lịch sử phát triển cùng với sự phát triển việc dạy và học tiếng Anh tại thành phố Huế, Trung Tâm Ngoại Ngữ CENLET, hiện đặt cơ sở tại Quốc Học và Hai Bà Trưng.

Với thời đại hôm nay, ai ai cũng công nhận rằng tiếng Anh đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc giúp xã hội phát triển, hội nhập vào nền kinh tế, chính trị, xã hội của cộng đồng quốc tế, giúp thanh niên tiếp cận các chương trình đào tạo tiên tiến trong và ngoài nước, giúp họ tìm được việc làm có thu nhập cao và ổn định, giúp họ có phương tiện tự nâng cao trình độ, hiểu người, hiểu ta về các mặt văn hóa, giáo dục, phong cách sống và làm việc. Nhiều người cho rằng trong thực tế tiếng Anh đang thực sự trở thành một vấn đề cốt yếu, có vai trò rất quan trọng trong xã hội Việt Nam trong thời điểm này. Vì thế, dù thích hay không thích, dù cảm thấy phấn khích hay thực sự khó học và nản lòng, nhưng vì một tương lai xán lạn hơn thì người ta cũng phải chấp nhận để cố gắng học nó. Tuy nhiên, vào những năm 90 của thế kỷ trước, thái độ và sự đánh giá tầm quan trọng của ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng không phải hoàn toàn rõ ràng như vậy.

Vào đầu những năm 90, người ta đến với tiếng Anh với một thái độ dè dặt, bởi lẻ vào thời điểm ấy có nhiều thiếu thốn và bất cập trong đội ngũ giáo viên, giáo trình và phương pháp giảng dạy. Trong bối cảnh đó, việc thành lập Trung Tâm Ngoại Ngữ CENLET, Trung tâm ngoại ngữ đầu tiên ở Huế đã có một ý nghĩa lớn, mang tính đóng góp vào sự giảng dạy và học tập tiếng Anh của Huế và các vùng phụ cận. Bắt đầu từ việc thành lập một, hai địa điểm, cho đến nay, dù có nhiều trung tâm ngoại ngữ khác được thành lập, Trung tâm Ngoại ngữ CENLET vẫn phát triển thêm, đứng vững, và giữ được uy tín đào tạo của mình. Đối với tôi, thì Trung tâm Ngoại ngữ CENLET không chỉ là một nơi làm việc, mà còn hơn thế, đã gắn liền với một số kỷ niệm khó quên của tôi đối với các bạn đồng nghiệp và gia đình.

Năm 1990, sau khi tu nghiệp cao học ngành giảng dạy tiếng Anh ở Úc về, tôi sinh một đứa con gái đầu long. Trở về nước, hội nhập lại cuộc sống ở quê hương, thú thật là có nhiều bỡ ngỡ và khó khăn. Thời ấy thì đồng lương giáo viên thấp và gần như là nguồn thu nhập duy nhất, chúng tôi rất ít dạy thêm và khái niệm mở các trung tâm tư nhân vẫn còn xa lạ. Thế mà, một nhóm giáo viên và chuyên viên giáo dục đã mạnh dạn khởi xướng thành lập Trung tâm Ngoại ngữ CENLET. Từ lúc trở về nước, tôi đã nghe các bạn đồng nghiệp ca ngợi Trung tâm này, vì tính nghiêm túc, chuyên nghiệp và hiệu quả của nó, và cũng như yêu cầu cao trong việc tuyển chọn giáo viên. Vì con còn nhỏ, nên tôi tuy có dự định sẽ xin giảng dạy thêm ở Trung tâm nhung tôi chưa có cơ hội tiếp cận với Ban Giám đốc. Một ngày nọ, sau khi đi dạy ở trường Đại học Tổng hợp về, tôi được báo là nhà có khách, đang chờ đợi để nói chuyện với tôi. Và đó cũng là lần tiếp xúc đầu tiên của tôi với ông Giám đốc CENLET, người đã thân chinh đến nhà để mời tôi tham gia vào đội ngũ giáo viên giảng dạy của Trung tâm. Lúc đó, là một giáo viên trẻ, tôi cảm thấy rất vinh hạnh được Ban Giám đốc chiếu cố như vậy. Tôi hăng hái nhận lời và gần như là bắt tay vào việc ngay vào tuần kế tiếp. Kể từ đó, tôi đã gia nhập vào gia đình CENLET, đã gắn bó với Trung tâm trong một khoảng thời gian dài với những kỷ niệm thú vị dễ thương khó quên…. Trong những năm trở lại đây, do bận công tác, học tập và nhiều vướng bận khác, tôi không còn trực tiếp tham gia giảng dạy tại Trung tâm nữa, nhưng vẫn luôn giữ môi quan hệ mật thiết với Ban Giám đốc và các bạn đồng nghiệp ở đó. Tôi vẫn xem mình là một thành viên (có phần kỳ cựu) của Trung tâm này.

Có lẽ điều làm tôi nhớ rõ nhất là sau những ngày đầu hăng hái giảng dạy, được học viên ủng hộ và khen ngợi, tôi bắt đầu thấm thía việc phải đi dạy vào buổi chiều tối khi có con nhỏ. Cháu gái không thích xa mẹ, và khóc suốt trong lúc tôi đến cơ sở Hai Bà Trưng để dạy. Thế là cứ mỗi tối, sau khi mẹ rời nhà để đi dạy thì ba cháu cũng rời nhà, cùng với các chú trong cơ quan bế cháu đi loanh quoanh đợi mẹ về để cháu khỏi khóc. Rốt cuộc là cả nhóm các ông kéo nhau đến cổng trường Hai Bà Trưng chỉ vào trong trường, dỗ dành cháu: “Ngoan đi, Nikki, mẹ đang ở trong đó, mẹ sắp ra với con rồi …” Cứ thế mà ông xã tôi loay hoay với bé con gần 2 tiếng đồng hồ trong thời gian tôi đứng lớp. Tôi vẫn còn nhớ như in khi tôi vừa tan dạy ra, trong đám đông mọi người, tôi vẫn còn như thấy đôi mắt ngơ ngác còn ngấn nước của con gái đang ngóng tìm mẹ và khuôn mặt cháu bừng lên với nụ cười tươi khi thấy mẹ. Và quanh cháu là ba (nụ cười của ba cháu cũng tươi chẳng kém) và các chú cũng kêu mẹ ríu rít, thật là ngoạn mục và làm mọi người chú ý. Tôi vừa hơi ngượng, vừa sung sướng đưa hết sách vở cho chồng tôi để đón con, ôm con vào lòng và thơm lên mùi tóc còn thơm sữa của cháu. Sau lưng tôi là tiếng các đồng nghiệp true: “Chà sướng chưa, đi dạy mà có cả chồng, con và … cả tùy tùng đi đón nữa…”

Thòi gian dần trôi, tôi cũng tự tin hơn hơn, lớp học sôi nổi hơn, gắn bó với mọi người hơn. Mấy buổi dạy đầu tiên, tôi vẫn thỉnh thoảng thấy ông Giám đốc thấp thoáng trong hành lang, chắc là để kiểm tra lớp học và cả cô giáo, nhưng sau đó thì tôi không thấy ông nữa, chắc là tôi đã chiếm được lòng tin của ông về chất lượng và phương pháp giảng dạy. Tôi đã được khuyến khích sử dụng nhiều phương pháp giảng dạy mới theo giao tiếp, lấy người học làm trung tâm, sử dụng các trò chơi gây hứng thú và môi trường giao tiếp tự nhiên… Ngoài việc ứng dụng những phương pháp này ở trường đại học, nơi mà tuy không nhiều thì ít chúng tôi đều bị ràng buộc bởi số lượng sinh viên, thời lượng và yêu cầu của chương trình, tôi có dịp ứng dụng vào việc giảng dạy tại Trung tâm. Tại Trung tâm, chúng tôi không bị ràng buộc gì nhiều, mà tập trung vào việc nâng cao chất lượng cho học viên, đáp ứng tốt nhu cầu của họ và để đầu ra đạt yêu cầu, nên cũng có phần chủ động hơn. Tôi vẫn còn nhớ nhiều lớp học của tôi áp dụng trò chơi rôm rả, sử dụng ô chữ đố vui, hoặc tập hát cùng nhau.

Không những thế, trong những dịp lễ lớn, Trung tâm cũng tổ chức để giáo viên và học viên giao lưu, có những hoạt động tập thể “học mà chơi, chơi mà học”, cũng như củng cố tinh thần đồng đội của đội ngũ giáo viên, vốn hội tụ về Trung tâm từ nhiều trường và cơ sở khác nhau. Hai kỷ niệm dễ thương nhất mà tôi vẫn còn nhớ là nhân dịp Noel, thầy Giám đốc đã cùng tôi đi dến các lớp, thầy đàn organ còn tôi thì lĩnh xướng và hướng dẫn các học viên hát bài “Jingle Bells”. Các lớp thật là hào hứng, mọi người đều cùng hát vang bài ca giáng sinh bằng tiếng Anh, và dịp này đã khơi dậy phong trào “học tiếng Anh qua bài hát” sôi nổi trong một số lớp học. Cũng phải nói thêm rằng phần lớn các giáo viên ngoại ngữ đều có chút it năng khiếu và yêu thích văn nghệ, hoặc biết đàn một nhạc cụ phổ biến hoặc ca hát. Chính vì thế mà nhiều lớp học đã trở thành một điểm học, điểm thực hành không những bổ ích mà còn rất lý thú cho việc trau dồi tiếng Anh, vốn văn hóa và vui chơi giải trí.

Kỷ niệm thứ hai mà tôi vẫn còn mỉm cười thú vị khi nhớ đến những giây phút “trẻ hóa” của đội ngũ giáo viên, cũng “quậy phá” vui chơi hết mình chảng kém ai, trong những lúc họp mặt do Trung tâm tổ chức. Không những chỉ thi hát hay, mà trung tâm còn trao giải cho người hát tệ nhất, được mệnh danh là “giọng ca … xệ”. Thật bất ngờ, toàn bộ Ban giám khảo đều nhất trí tăng giải này cho một cô giáo trẻ, dễ thương, năng động, là người đầu trò trong các trò chơi và ca hát, nhưng đúng là “hay hát” chứ không phải là “hát hay”. Thú vị hơn nữa là khi xướng tên, người “bị” đạt giải này lại rất phấn khởi, la hét và cười hết cỡ với bạn bè; đúng là tinh thần thể dục thể thao “fair play”, “ham vui là chính”!!!! Cho đến nay, thỉnh thoảng gặp nhau, chúng tôi vẫn còn trêu cô bạn này, đã được “lưu danh muôn thưở” với một nick name (tên lóng) có một không hai do Trung tâm trao tặng….

Không những chỉ có những hoạt động nội bộ trong Trung tâm, mà Trung tâm còn chủ động tổ chức các hội thảo về phương pháp giảng dạy tiếng Anh kết hợp với Sở Giáo dục dành cho các giáo viên cấp 2 và 3. Tôi cũng đã được mời báo cáo trong một dịp như thế. Vào lúc đó, như đã nói ở trên, phương pháp giảng dạy giao tiếp vẫn còn khá mới mẻ đối với giáo viên giảng dạy tiếng Anh, nên những phương pháp tôi giới thiệu (như giải đáp ô chữ, ghép câu, ghép trích đoạn theo nhóm, đóng kịch theo phân vai, các chiến lược để xây dựng kỹ năng giao tiếp mức độ ngôn ngữ, phi ngôn ngữ, cấp diễn ngôn, khía cạnh văn hóa và xã hội của ngôn ngữ tiếng Anh …) đều được mọi người hồ hởi tham gia. Cũng chính nhờ dịp này mà tôi đã được làm quen và học hỏi từ nhiều gương mặt lão thành và nổi tiếng mà trước đó tôi chưa có dịp được tiếp kiến. Nhiều năm sau này, khi tôi gặp lại một số thầy cô đã tham gia lớp tập huấn, họ đã báo với tôi rằng một số phương pháp mà chúng tôi cùng thảo luận đã được họ ứng dụng thành công và có hiệu quả trong các lớp học của họ. Đó thật sự là một món quà vô giá cho các giáo viên chúng ta trong cuộc đời dạy học và nghiên cứu của mình….

Ngày nay, ở các trường học, tiếng Anh dần được đưa vào sớm hơn, từ cấp tiểu học thay vì cấp THCS như trước kia. Từ trẻ con 4 tuổi cho đến người lớn đều phải học hoặc ít ra cũng phải biết chút ít. Trẻ nhỏ muốn vào được trường chuyên, lớp chọn phải học tiếng Anh. Sinh viên ra trường muốn có việc phải biết tiếng Anh. Còn những người đã đi làm, muốn thăng tiến thì cũng không thể không có tiếng Anh. Giáo trình được cải tiến hơn trước, tiết học cũng nhiều hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, tỷ lệ thực sự những người có khả năng sử dụng tiếng Anh thông thạo của ta vẫn chưa cao cho dù khí thế học tiếng Anh rất nhiệt tình và sôi nổi. Điều này đã gây ra nhiều trăn trở cho các cán bộ trong cũng như ngoài ngành giáo dục. Trong xã hôi đã nảy sinh ra một nghịch lý: những người giỏi tiếng Anh thì không có chuyên môn khác để làm việc, trong khi đó những người giỏi chuyên môn, nghiệp vụ thì tiếng Anh lại hạn chế, hoặc chỉ dừng lại ở mức độ hiểu thụ động chứ chưa dùng được một cách chủ động trong giao tiếp và làm việc, kể cả kỹ năng nói và viết. Tiếng Anh đã thực sự có một vai trò mới, nên được sử dụng như một công cụ để thực hiện công tác chuyên môn. Nhu cầu về xã hội, kinh tế và tình hình thực tiễn đã đặt ra cho ngành đào tạo tiếng Anh nhiều cơ hội lẫn thách thức. Vai trò của các trường chuyên ngữ và các trung tâm ngoại ngữ chất lượng cao ngày càng được coi trọng và là tâm điểm của nhiều tổ chức giáo dục và xã hội. Trong bối cảnh đó, Trung tâm Ngoại ngữ CENLET cũng đang phấn đấu để duy trì và phát triển uy tín và hiệu quả đào tạo của mình. Xin chúc Trung tâm ngày càng phát triển vững mạnh, và luôn là địa chỉ đáng tin cậy của những học viên đã, đang và sẽ theo học tại Trung tâm.

(Huế, 5/8/2009)

Tôn Thất Viễn Bào

CENLET
ĐỆ NGŨ CHU NIÊN CẢM TÁC


Huế đô nay nổi tiếng CENLET
Năm tuổi vừa tròn lớn mạnh ghê
Giám đốc đã giỏi sành quản trị
Giáo viên lại vững thạo tay nghề
Học trò mãi mãi tăng nhanh số
Thầy giáo người người đổi mới xe
Chất lượng dạy cao, thêm kỷ luật
Bộ khen cho phép cấp bằng “C”.

Huế, 10-7-1994

Lê Xuân Bân

Cenlet ... những tháng ngày....
Nhập làng

Thầy CENLET .. Thầy CENLET..
Tôi ngơ ngác nhìn quanh. Cô thầy nào trong đoàn thanh tra đang dạy trung tâm mà tôi chưa biết. Không, cũng chỉ là những khuôn mặt thân quen của anh em trong phòng phổ thông - Sở Giáo dục – Đào tạo. Không có ai, lạ thật. Tôi nhìn lại nhóm học sinh đang đứng trên hành lang trường. Một vài em nhìn lại tôi mỉm cười – thưa thầy. À ra là tôi – “thầy Cenlet”. Vậy là thêm một chức danh, thêm nhiều học sinh của nhiều lứa tuổi ... dành cho tôi, một giáo viên “ngoại đạo” gia nhập làng ngoại ngữ Cenlet.

Nhiệm vụ khả thi ...
Công việc tôi bắt đầu là phụ tá anh Minh và anh Trân thu học phí tại cơ sở Quốc Học và kiểm tra học viên ở hai cơ sở Quốc học và Hai Bà Trưng. Trong giai đoạn này, học viên ghi danh tại trung tâm rất đông. Vừa ghi biên lai, vừa thâu tiền, tôi cảm thấy rất lo: mất thì làm sao đây, mới vào làm mà mất thì phải ráng bù chứ sao. Vậy thì cố gắng đi. Mà may thật, suốt gần 20 năm, tôi chưa bị sai một lần nào. Đúng ra là một lần – không phải do thu mà ham nhậu trước nhà anh Sằn, để chiếc cặp đựng tiền học phí xa tầm nhìn nên đã bị cháu nào đó “kiểm tra” và mượn tạm gần một triệu, Trung tâm không nỡ đền vì thương!

Do khả năng chịu được đói (làm liên tục từ 5 đến 9 giờ tối), vóc dáng đủ làm cho những học viên yếu bóng vía đang “học chùa” phải nể trọng nên tôi đã nhanh chóng trở thành dũng - sỹ - diệt - học - viên – chùa! Trong những năm đầu của thập niên 90, rất nhiều người ghi danh học ngoại ngữ đủ thành phần: học sinh, sinh viên, cán bộ, người lao động ... đủ lứa tuổi. Trung tâm vui như hội, đi học thật nhiều nhưng học giả cũng kha khá. Số học viên ham học nhưng quên chưa muốn nộp học phí cũng không ít, mỗi lớp thường có khoảng 10 học viên. Nhiệm vụ của chúng tôi là mời các em ra ngoài để thực hiện nghĩa vụ học phí. Nhìn thấy em phải đi ra ngoài tôi cũng thấy áy náy nhưng biết làm sao được. Mỗi lớp có thêm 5 cháu thực hiện đúng nghĩa vụ là đội chống thất thu chúng tôi thành công rồi. Thế nhưng để cho các học viên tâm phục khẩu phục, đội truy thu phải chuẩn bị kỹ danh sách học viên lớp chính xác, phải linh hoạt, nói sao cho ngọt để học viên thông cảm, tạm nghỉ học, ra khỏi lớp không tự ái, không giận hờn để tặng thầy vài viên đá khi mấy thầy đang làm nhiệm vụ tuần tiểu trong sân trường Quốc Học và Hai Bà Trương nhiều ngõ ngách.

Trong thời gian này, Cenlet là trung tâm thành lập thứ hai sau Đại học Sư phạm, quy tụ nhiều giáo viên dạy giỏi nên số học viên ghi danh rất đông, mỗi năm khai giảng khoảng 8 khoá. Chưa có vi tính, photocopy và công nghệ quảng cáo nên công cụ quảng cáo của các nâmny chỉ là những tờ áp phích do tôi viết tat với cây bút tre chấm mực Cửu Long trrên giấy bổi màu vàng. “Thượng sỹ” Thọ - hiện nay đã được trung tâm tạm phong “đại uý” – có nhiệm vụ khuấy hồ để đi dán ở các cột điện quanh hai trường. Vậy mà học viên đến ghi danh rất đông, biên lai viết không kịp và tất nhiên là tiền thâu đếm hơi mệt - song không nhiều lắm vì toàn bạc lẻ bởi học phí đang rất thấp 20.000 rồi phải hạ xuống 10.000đ/tháng trong những năm cuối thập niên 90 do sự giảm sút chung các học viên ở các trung tâm trên toàn quốc.

Từ năm 1992, do tiếng lành đồn xa, ngoài 60 lớp A, B, C tại hai cơ sở Quốc Học và Hai Bà Trưng, trung tâm bắt đầu thực hiện chiến dịch lấy “nông thôn bao vây thành thị” mở thêm nhiều cơ sở từ Phong Điền, Quảng Điền đến Phú Vang, Hương Thuỷ, Phú Lộc. Với sự mở rộng nhiều trung tâm, nhiều khoá học nên việc tổ chức các khoá thi hoàn tất chứng chỉ rất vất vả. Chưa có máy tính, danh sách thi sinh được đánh máy, hoàn tất chỉ trước khi thi một buổi. Từ khâu coi thi đến chấm phải hoàn tất trong một ngày để hôm sau có thể công bố kết quả. Ban Lãnh đạo hội đồng và cá thư ký – năm người cho một Hội đồng thi trên 20 phòng - phải lo nhiều việc và túi bụi với các công việc thượng vàng hạ cám: đề thi, văn phòng phẩm, phát hiện thi thế, cắt phách, nhập điểm... Ngán nhất là các kỳ thi gồm cả 3 trình độ A, B, C vừa tiếng Anh, tiếng Pháp. Có một ngày làm thi năm 1995, sau khi hoàn tất mọi việc, đến hơn 8g tối anh em trong Ban Điều hành xuống ngồi nhà hàng nổi để ăn tối, nhìn các đèn thả trên sông Hương mới biết hôm đó là ngày lễ Phật đản.

Các kỳ thi của Trung tâm luôn luôn được tổ chức chặt chẽ và giám khảo luôn chấm nghiêm túc nên kết quả thường chỉ đạt từ 60% đến 80%. Vì thế, có tình trạng học viên ghi danh tại trung tâm khi thi thì đăng ký tại trung tâm khác. Tổ chức thi tại Trung tâm ở Huế thì thuận lợi nhưng không thú vị bằng tại các cơ sở xa: Phú Bài, An Lương Đông, Phú Lộc. Trong một đợt thi tại Phú Lộc, sau khi chấm xong, 6 anh em giám khảo cùng nhà trường mang theo bia, thức ăn và đến thác trượt dưới chân núi Bạch Mã để ăn trưa. Ngồi ăn dưới bóng cây, mấy thầy nhìn các em học sinh cấp 2 đang khoái trá trượt nước dưới nắng trưa cũng cảm thấy thích thú. Lần đầu còn e dè, rồi thầy Khôi, thầy Giang và tôi nhào ra, cùng trượt. Nhìn thấy cảnh nầy khó ai có thể nhịn được cười khi các thầy đã lớn tuổi, nghiêm túc, đạo mạo mà chơi như con nít, thì ra ở mỗi người dù lớn nhưng vẫn còn giữ những góc nhỏ tuổi thơ.

Vui chơi...
Gần đến tháng 10 là các anh trong Ban điều hành lại băn khoăn: năm nay làm lễ 20.11 ở đâu, chương trình thế nào, mời những ai... Sự băn khoăn này là tất nhiên vì túi tiền của trung tâm khi vơi khi đầy. Năm đầu tôi làm việc, lễ được tổ chức tại Hương Giang, sang trọng và thân mật. Có năm tổ chức tại trường Nguyễn Huệ, Hai Bà Trương. Năm làm ăn khá thì dễ, ít tiền mới khó. Năm 99, trung tâm sút giảm học viên, tiền ít nhưng theo truyền thống, phải làm. Anh Gioanh giao nhiệm vụ cho tôi thực hiện: đơn giản nhưng vui hơn. Đơn giản có nghĩa là ăn bánh ngọt – quá dễ - đáp ứng tiêu chí đầu tiên. Nhưng liên hoan với bánh ngọt, không có bia thì đúng là khó vui tươi. Tôi bàn với anh Trân làm coktail: mua mấy chai rượu CUB, 15.000đ/chai, hoà nước khoáng, cam tươi, đường ... uống rất ngon. Không ngon sao được khi thầy Triệt lâu nay ít uống mà khen ngon và chơi đến mấy ly, đàn hát không nghỉ. Thầy Hà Văn Chữ vui đến độ hát hoài một bài tiếng Pháp mà nếu không có lời đe doạ sẽ tặng thầy danh hiệu “giọng ca chì” của Cenlet thì thầy sẽ không ngưng, cô Thu Sương dù hát không hay nhưng vẫn đựơc tặng danh hiệu giọng ca vàng ... bởi giám khảo ... say

Từ năm 2002 trở đi, số lượng học viên bắt đầu tăng, cũng có nghĩa là lễ hội 20.11 được tổ chức hoành tráng hơn tại các nhà hàng sang trọng, chương trình trong buổi lễ cũng phong phú với nhiều trò nghịch ngợm được đóng góp bởi các chuyên gia quậy: Bân, Tường, Phú, Tân Hoa, Thuyền ... Thế là sau buổi lễ, anh Gioanh, Sằn, Trân và tôi ai cũng mệt vì không ăn được nhiều nhưng no vì bia, vì cười ... thế nhưng lại rất sướng vì anh em đã rất vui, hết mình trong không khí của gia đình Cenlet.

Chuẩn bị cho ngày 20.11còn mệt với phần nghi lễ chứ vui chơi mùa hè thì lại thoải mái: không nghi lễ, ăn, mặc, trêu đùa nhau thoải mái...; thế là từ thác A Dong ở Phong Sơn đến Bạch Mã, Lăng Cô, Cảnh Dương, suối Voi ... gót chân của các thầy cô giáo trung tâm đến đủ. Từ những chiếc bánh mỳ kẹp thịt đơn sơ cho buổi đi thác ở Phong Điền đến những buổi chơi hoành tráng ở Bạch Mã, Cảnh Dương. Không thể nào quên được những đêm lành lạnh ngồi đàn hát bên đống lửa trại, những buổi sáng nhâm nhi cafe nóng ở vườn khách sạn Đỗ Quyên khi sương còn phủ trắng núi đồi Bạch Mã, những món quà xinh xắn ngộ nghĩnh với lời yêu cầu độc đáo, chết người dành cho nhau ở mỗi lần sinh hoạt, các ly bia thách đố của “Tam Phương nữ tướng”

Quản lý
Từ năm 1995 đến 2005, để điều hành trên 50 lớp ngoại ngữ tại hai cơ sở Quốc Học, Hai Bà Trưng và gần 20 lớp tại các huỵên, Ban Giám đốc và các thành viên chỉ gồm 5 thầy. Dù chỉ đơn thuần là dạy học ngoại ngữ nhưng công việc thì nhiêu khê: quảng cáo, thu học phí, kiểm tra, tổ chức dạy học, thi cử, cấp phát chứng chỉ, tuyển giáo viên ... anh em trong Ban điều hành – toàn bộ là làm “part time” nên phải thực hiện các công việc với cường độ lớn để đảm bảo được sự ổn định, phát triển của một trung tâm mà tính chất của nó là sự không ổn định thường xuyên về số học viên, lớp học. Chính vì thế, có lúc, tôi đã tự đặt câu hỏi: áp dụng cách làm việc này với một cơ sở giáo dục công lập được không? Và tự trả lời dứt khoát: không! Tại sao? Nguyên nhân là sự khác biệt về mục đích hoạt động, mục tiêu dạy học, sự đa dạng hoá trong các hoạt động giáo dục đã quyết định phương thức tổ chức và các nguyên tắc quản lý. Nhưng sự khác biệt lớn nhất, khó thực hiện nhất về mặt nguyên tắc giữa hai mô hình mà CENLET đã thực hiện được từ 20 năm qua là quản lý dựa trên nguyên tắc: trung thực, tin tưởng, tôn trọng nhau và làm đúng việc(*).

Quá trình phát triển của Trung tâm không phải là mũi tên thẳng tiến mà có những bước thăng trầm. Đã có những bước thăng trầm. Đã có những tháng anh em Ban điều hành không có lương, nguồn thu nhập hạ thấp, song các anh em vẫn lạc quan, tự tin, không quan tâm đến các quyền lợi riêng tư mà dành trọn những gì tốt đẹp cho hội đồng giáo viên của trung tâm.

Nếu theo bài hát “60 năm cuộc đời” thì CENLET đã có một phần ba cuộc đời. Đứa con yêu của thầy Gioang, thầy Trân, thầy Sằn có đôi khi ốm nhưng nay đã trưởng thành, khẳng định vị trí của một trung tâm ngoại ngữ lớn ở Huế. Không khoa trương, không vụ lợi cá nhân, luôn đặt chất lượng dạy học lên cao nhất, vui tươi, đoàn kết tôn trọng nhau dù đội ngũ trung tâm hiện có nhiều thế hệ từ các giáo viên thạc sỹ trẻ mới tốt nghiệp đến thầy của các bậc thầy như thầy Gioang, thầy Sằn, thầy Trâm, thầy Oanh, thầy Hoàn, cô Tân Hoa, cô Thuyền... Hội đồng sư phạm CENLET là một đại gia đình, phải cố gắng để làm được nhiều điều tốt đẹp cho sự phát triển của trung tâm không chỉ là suy nghĩ riêng của cá nhân tôi mà là ứơc vọng chung của các cô giáo, thầy giáo trong dịp kỷ niệm 20 năm thành lập CENLET.

Lê Xuân Bân
(*) Làm đúng việc: đảm bảo sự phát triển, không phải làm việc đúng

Nguyễn Trung Hậu

CẢM XÚC

Giây phút giao thừa khiến lòng người bồi hồi cảm xúc. Pháo hoa ngập trời với đủ sắc màu. Tiếng hò reo lẫn tiếng cười, tiếng vỗ tay. Từ trên cao nhìn xuống, dòng người và xe vẫn ồn ào, náo nhiệt và vội vã đổ ra đường, tưởng đâu như giờ tan tầm cao điểm vậy. Đêm se lạnh, cái lạnh rét cùng với những hạt mưa phùn phảng phất của Huế mình.

Hơi lạnh. Khoác thêm chiếc áo tôi ngồi xuống ghế. Màn hình máy tính trước mặt. Có email mới???!!! Vâng, vào lúc mà mọi chuyện đều như dừng cả lại để những chỗ cho mùa Xuân. Không còn lạnh nữa. Ấm áp và hạnh phúc.

Điện thoại khẽ rung. Có tin nhắn chúc Tết. Một niềm vui nhỏ. Không cần nhắn lại bởi mạng di động đang giờ tắc đường. Yahoo Messenger không hiểu sao cũng không hoạt động. Đâu có sao. Hộp tin nhắn trong CENLET của tôi vẫn đầy tin nhắn chúc xuân, và lại tiếp tục có thêm tin nhắn. Vui thật. Chúc các Cenleter đón Xuân vui nhé.

Vài dòng cảm xúc mong cùng chia sẻ với đồng nghiệp. Có ai trong hội CENLET online giờ này không nhỉ? Quý thầy cô ơi! Hãy ghi lại cảm xúc đầu năm và share để tâm hồn ta vui mãi, sáng mãi và hạnh phúc.


Nguyễn Bê

STRESS

(Compiled by Nguyen Be, PhD from USA)

A lecturer, when explaining stress management to an audience, raised a glass of water and asked, “How heavy is this glass of water?” Answers called out ranged from 20g to 500g. The lecturer replied, “The absolute weight doesn’t matter. It depends on how long you try to hold it. If I hold it for a minute, that’s not a problem. If I hold it for an hour, I’ll have an ache in my right arm. If I hold it for a day, you’ll have to call an ambulance. In each case, it’s the same weight, but the longer I hold it, the heavier it becomes.

He continued, “and that’s the way it is with stress management. If we carry our burdens all the time, sooner or later, as the burden becomes increasingly heavy, we won’t be able to carry on”.

As with the glass of water, you have to put it down for a while and rest before holding it again. When we’re refreshed, we can carry on with the burden.” “So, before you return home tonight, put the burden of work down. Don’t carry it home. You can pick it up tomorrow. Whatever burdens you’re carrying now, Let them down for a moment if you can”. So, my friend, put down anything that may be a burden to you right now. Don’t pick it up again until after you’ve rested a while.

Here are some great ways of dealing with the burdens of life:

  • Accept that some days you’re the pigeon, and some days you’re the statue. 

  • Always keep your words soft and sweet, just in case you have to eat them. 

  • Always wear stuff that will make you look good if you die in the middle of it. 

  • Drive carefully. It’s not only cars that can be “recalled” by their maker. 

  • If you can’t be kind, at least have the decency to be vague. 

  • If you lend someone $20 and never see that person again, it was probably worth it. 

  • It may be that your sole purpose in life is simply to be kind to others. 

  • Never put both feet in your mouth at the same time, because then you won’t have a leg to stand on. 

  • Nobody cares if you can’t dance well. Just get up and dance. 

  • When everything’s coming your way, you’re in the wrong lane. 

  • Birthdays are good for you. The more you have, the longer you live. 

  • You may be only one person in the world, but you may also be the world to one person. 

  • Some mistakes are too much fun to only make once. 

  • We could learn a lot from crayons... Some are sharp, some are pretty and some are dull. Some have weird names, and all are different colors, but they all have to live in the same box. 

  • I truly happy person is one who can enjoy the scenery on a detour.

  • Have an awesome day and know that someone has thought about you today...I did.