Thursday, November 26, 2009

Lê Xuân Bân

Cenlet ... những tháng ngày....
Nhập làng

Thầy CENLET .. Thầy CENLET..
Tôi ngơ ngác nhìn quanh. Cô thầy nào trong đoàn thanh tra đang dạy trung tâm mà tôi chưa biết. Không, cũng chỉ là những khuôn mặt thân quen của anh em trong phòng phổ thông - Sở Giáo dục – Đào tạo. Không có ai, lạ thật. Tôi nhìn lại nhóm học sinh đang đứng trên hành lang trường. Một vài em nhìn lại tôi mỉm cười – thưa thầy. À ra là tôi – “thầy Cenlet”. Vậy là thêm một chức danh, thêm nhiều học sinh của nhiều lứa tuổi ... dành cho tôi, một giáo viên “ngoại đạo” gia nhập làng ngoại ngữ Cenlet.

Nhiệm vụ khả thi ...
Công việc tôi bắt đầu là phụ tá anh Minh và anh Trân thu học phí tại cơ sở Quốc Học và kiểm tra học viên ở hai cơ sở Quốc học và Hai Bà Trưng. Trong giai đoạn này, học viên ghi danh tại trung tâm rất đông. Vừa ghi biên lai, vừa thâu tiền, tôi cảm thấy rất lo: mất thì làm sao đây, mới vào làm mà mất thì phải ráng bù chứ sao. Vậy thì cố gắng đi. Mà may thật, suốt gần 20 năm, tôi chưa bị sai một lần nào. Đúng ra là một lần – không phải do thu mà ham nhậu trước nhà anh Sằn, để chiếc cặp đựng tiền học phí xa tầm nhìn nên đã bị cháu nào đó “kiểm tra” và mượn tạm gần một triệu, Trung tâm không nỡ đền vì thương!

Do khả năng chịu được đói (làm liên tục từ 5 đến 9 giờ tối), vóc dáng đủ làm cho những học viên yếu bóng vía đang “học chùa” phải nể trọng nên tôi đã nhanh chóng trở thành dũng - sỹ - diệt - học - viên – chùa! Trong những năm đầu của thập niên 90, rất nhiều người ghi danh học ngoại ngữ đủ thành phần: học sinh, sinh viên, cán bộ, người lao động ... đủ lứa tuổi. Trung tâm vui như hội, đi học thật nhiều nhưng học giả cũng kha khá. Số học viên ham học nhưng quên chưa muốn nộp học phí cũng không ít, mỗi lớp thường có khoảng 10 học viên. Nhiệm vụ của chúng tôi là mời các em ra ngoài để thực hiện nghĩa vụ học phí. Nhìn thấy em phải đi ra ngoài tôi cũng thấy áy náy nhưng biết làm sao được. Mỗi lớp có thêm 5 cháu thực hiện đúng nghĩa vụ là đội chống thất thu chúng tôi thành công rồi. Thế nhưng để cho các học viên tâm phục khẩu phục, đội truy thu phải chuẩn bị kỹ danh sách học viên lớp chính xác, phải linh hoạt, nói sao cho ngọt để học viên thông cảm, tạm nghỉ học, ra khỏi lớp không tự ái, không giận hờn để tặng thầy vài viên đá khi mấy thầy đang làm nhiệm vụ tuần tiểu trong sân trường Quốc Học và Hai Bà Trương nhiều ngõ ngách.

Trong thời gian này, Cenlet là trung tâm thành lập thứ hai sau Đại học Sư phạm, quy tụ nhiều giáo viên dạy giỏi nên số học viên ghi danh rất đông, mỗi năm khai giảng khoảng 8 khoá. Chưa có vi tính, photocopy và công nghệ quảng cáo nên công cụ quảng cáo của các nâmny chỉ là những tờ áp phích do tôi viết tat với cây bút tre chấm mực Cửu Long trrên giấy bổi màu vàng. “Thượng sỹ” Thọ - hiện nay đã được trung tâm tạm phong “đại uý” – có nhiệm vụ khuấy hồ để đi dán ở các cột điện quanh hai trường. Vậy mà học viên đến ghi danh rất đông, biên lai viết không kịp và tất nhiên là tiền thâu đếm hơi mệt - song không nhiều lắm vì toàn bạc lẻ bởi học phí đang rất thấp 20.000 rồi phải hạ xuống 10.000đ/tháng trong những năm cuối thập niên 90 do sự giảm sút chung các học viên ở các trung tâm trên toàn quốc.

Từ năm 1992, do tiếng lành đồn xa, ngoài 60 lớp A, B, C tại hai cơ sở Quốc Học và Hai Bà Trưng, trung tâm bắt đầu thực hiện chiến dịch lấy “nông thôn bao vây thành thị” mở thêm nhiều cơ sở từ Phong Điền, Quảng Điền đến Phú Vang, Hương Thuỷ, Phú Lộc. Với sự mở rộng nhiều trung tâm, nhiều khoá học nên việc tổ chức các khoá thi hoàn tất chứng chỉ rất vất vả. Chưa có máy tính, danh sách thi sinh được đánh máy, hoàn tất chỉ trước khi thi một buổi. Từ khâu coi thi đến chấm phải hoàn tất trong một ngày để hôm sau có thể công bố kết quả. Ban Lãnh đạo hội đồng và cá thư ký – năm người cho một Hội đồng thi trên 20 phòng - phải lo nhiều việc và túi bụi với các công việc thượng vàng hạ cám: đề thi, văn phòng phẩm, phát hiện thi thế, cắt phách, nhập điểm... Ngán nhất là các kỳ thi gồm cả 3 trình độ A, B, C vừa tiếng Anh, tiếng Pháp. Có một ngày làm thi năm 1995, sau khi hoàn tất mọi việc, đến hơn 8g tối anh em trong Ban Điều hành xuống ngồi nhà hàng nổi để ăn tối, nhìn các đèn thả trên sông Hương mới biết hôm đó là ngày lễ Phật đản.

Các kỳ thi của Trung tâm luôn luôn được tổ chức chặt chẽ và giám khảo luôn chấm nghiêm túc nên kết quả thường chỉ đạt từ 60% đến 80%. Vì thế, có tình trạng học viên ghi danh tại trung tâm khi thi thì đăng ký tại trung tâm khác. Tổ chức thi tại Trung tâm ở Huế thì thuận lợi nhưng không thú vị bằng tại các cơ sở xa: Phú Bài, An Lương Đông, Phú Lộc. Trong một đợt thi tại Phú Lộc, sau khi chấm xong, 6 anh em giám khảo cùng nhà trường mang theo bia, thức ăn và đến thác trượt dưới chân núi Bạch Mã để ăn trưa. Ngồi ăn dưới bóng cây, mấy thầy nhìn các em học sinh cấp 2 đang khoái trá trượt nước dưới nắng trưa cũng cảm thấy thích thú. Lần đầu còn e dè, rồi thầy Khôi, thầy Giang và tôi nhào ra, cùng trượt. Nhìn thấy cảnh nầy khó ai có thể nhịn được cười khi các thầy đã lớn tuổi, nghiêm túc, đạo mạo mà chơi như con nít, thì ra ở mỗi người dù lớn nhưng vẫn còn giữ những góc nhỏ tuổi thơ.

Vui chơi...
Gần đến tháng 10 là các anh trong Ban điều hành lại băn khoăn: năm nay làm lễ 20.11 ở đâu, chương trình thế nào, mời những ai... Sự băn khoăn này là tất nhiên vì túi tiền của trung tâm khi vơi khi đầy. Năm đầu tôi làm việc, lễ được tổ chức tại Hương Giang, sang trọng và thân mật. Có năm tổ chức tại trường Nguyễn Huệ, Hai Bà Trương. Năm làm ăn khá thì dễ, ít tiền mới khó. Năm 99, trung tâm sút giảm học viên, tiền ít nhưng theo truyền thống, phải làm. Anh Gioanh giao nhiệm vụ cho tôi thực hiện: đơn giản nhưng vui hơn. Đơn giản có nghĩa là ăn bánh ngọt – quá dễ - đáp ứng tiêu chí đầu tiên. Nhưng liên hoan với bánh ngọt, không có bia thì đúng là khó vui tươi. Tôi bàn với anh Trân làm coktail: mua mấy chai rượu CUB, 15.000đ/chai, hoà nước khoáng, cam tươi, đường ... uống rất ngon. Không ngon sao được khi thầy Triệt lâu nay ít uống mà khen ngon và chơi đến mấy ly, đàn hát không nghỉ. Thầy Hà Văn Chữ vui đến độ hát hoài một bài tiếng Pháp mà nếu không có lời đe doạ sẽ tặng thầy danh hiệu “giọng ca chì” của Cenlet thì thầy sẽ không ngưng, cô Thu Sương dù hát không hay nhưng vẫn đựơc tặng danh hiệu giọng ca vàng ... bởi giám khảo ... say

Từ năm 2002 trở đi, số lượng học viên bắt đầu tăng, cũng có nghĩa là lễ hội 20.11 được tổ chức hoành tráng hơn tại các nhà hàng sang trọng, chương trình trong buổi lễ cũng phong phú với nhiều trò nghịch ngợm được đóng góp bởi các chuyên gia quậy: Bân, Tường, Phú, Tân Hoa, Thuyền ... Thế là sau buổi lễ, anh Gioanh, Sằn, Trân và tôi ai cũng mệt vì không ăn được nhiều nhưng no vì bia, vì cười ... thế nhưng lại rất sướng vì anh em đã rất vui, hết mình trong không khí của gia đình Cenlet.

Chuẩn bị cho ngày 20.11còn mệt với phần nghi lễ chứ vui chơi mùa hè thì lại thoải mái: không nghi lễ, ăn, mặc, trêu đùa nhau thoải mái...; thế là từ thác A Dong ở Phong Sơn đến Bạch Mã, Lăng Cô, Cảnh Dương, suối Voi ... gót chân của các thầy cô giáo trung tâm đến đủ. Từ những chiếc bánh mỳ kẹp thịt đơn sơ cho buổi đi thác ở Phong Điền đến những buổi chơi hoành tráng ở Bạch Mã, Cảnh Dương. Không thể nào quên được những đêm lành lạnh ngồi đàn hát bên đống lửa trại, những buổi sáng nhâm nhi cafe nóng ở vườn khách sạn Đỗ Quyên khi sương còn phủ trắng núi đồi Bạch Mã, những món quà xinh xắn ngộ nghĩnh với lời yêu cầu độc đáo, chết người dành cho nhau ở mỗi lần sinh hoạt, các ly bia thách đố của “Tam Phương nữ tướng”

Quản lý
Từ năm 1995 đến 2005, để điều hành trên 50 lớp ngoại ngữ tại hai cơ sở Quốc Học, Hai Bà Trưng và gần 20 lớp tại các huỵên, Ban Giám đốc và các thành viên chỉ gồm 5 thầy. Dù chỉ đơn thuần là dạy học ngoại ngữ nhưng công việc thì nhiêu khê: quảng cáo, thu học phí, kiểm tra, tổ chức dạy học, thi cử, cấp phát chứng chỉ, tuyển giáo viên ... anh em trong Ban điều hành – toàn bộ là làm “part time” nên phải thực hiện các công việc với cường độ lớn để đảm bảo được sự ổn định, phát triển của một trung tâm mà tính chất của nó là sự không ổn định thường xuyên về số học viên, lớp học. Chính vì thế, có lúc, tôi đã tự đặt câu hỏi: áp dụng cách làm việc này với một cơ sở giáo dục công lập được không? Và tự trả lời dứt khoát: không! Tại sao? Nguyên nhân là sự khác biệt về mục đích hoạt động, mục tiêu dạy học, sự đa dạng hoá trong các hoạt động giáo dục đã quyết định phương thức tổ chức và các nguyên tắc quản lý. Nhưng sự khác biệt lớn nhất, khó thực hiện nhất về mặt nguyên tắc giữa hai mô hình mà CENLET đã thực hiện được từ 20 năm qua là quản lý dựa trên nguyên tắc: trung thực, tin tưởng, tôn trọng nhau và làm đúng việc(*).

Quá trình phát triển của Trung tâm không phải là mũi tên thẳng tiến mà có những bước thăng trầm. Đã có những bước thăng trầm. Đã có những tháng anh em Ban điều hành không có lương, nguồn thu nhập hạ thấp, song các anh em vẫn lạc quan, tự tin, không quan tâm đến các quyền lợi riêng tư mà dành trọn những gì tốt đẹp cho hội đồng giáo viên của trung tâm.

Nếu theo bài hát “60 năm cuộc đời” thì CENLET đã có một phần ba cuộc đời. Đứa con yêu của thầy Gioang, thầy Trân, thầy Sằn có đôi khi ốm nhưng nay đã trưởng thành, khẳng định vị trí của một trung tâm ngoại ngữ lớn ở Huế. Không khoa trương, không vụ lợi cá nhân, luôn đặt chất lượng dạy học lên cao nhất, vui tươi, đoàn kết tôn trọng nhau dù đội ngũ trung tâm hiện có nhiều thế hệ từ các giáo viên thạc sỹ trẻ mới tốt nghiệp đến thầy của các bậc thầy như thầy Gioang, thầy Sằn, thầy Trâm, thầy Oanh, thầy Hoàn, cô Tân Hoa, cô Thuyền... Hội đồng sư phạm CENLET là một đại gia đình, phải cố gắng để làm được nhiều điều tốt đẹp cho sự phát triển của trung tâm không chỉ là suy nghĩ riêng của cá nhân tôi mà là ứơc vọng chung của các cô giáo, thầy giáo trong dịp kỷ niệm 20 năm thành lập CENLET.

Lê Xuân Bân
(*) Làm đúng việc: đảm bảo sự phát triển, không phải làm việc đúng

No comments:

Post a Comment