Thursday, November 26, 2009

Trương Văn Minh


HIẾU HỌC KHÔNG BẰNG VUI KHI HỌC

Hai mươi năm nhìn lại, tôi thật sự vui mừng với những bước tiến của Trung tâm Ngoại ngữ CENLET. Là một trong các thành viên cộng tác đầu tiên với Trung tâm, tôi hiểu rõ những khó khăn thuở ban đầu ấy, dù cá nhân tôi, bởi những lý do riêng, sau bảy năm nhiệt tình tham gia với anh em, phải chuyển sang làm việc ở ngành khác. Nhưng ở bất cứ đâu, lúc nào, tôi luôn luôn nghĩ về CENLET và thật mừng mỗi khi được tin Trung tâm đạt được những thành quả đáng khích lệ.

Nhân kỷ niệm hai mươi năm ngày thành lập Trung tâm, tôi hồi tưởng một số chuyện vui trong quá trình bảy năm tôi cộng tác, xin ghi lên đây hầu làm món quà nhỏ cho các đồng nghiệp và các học viên hiện tại của Trung tâm.

Kỷ niệm thì nhiều. Vui buồn lao đao thuở ban đầu điều có, nhưng tôi vốn chóng quên những chuyện buồn phiền khổ não, chỉ còn lại trong tâm tư những gì làm cho mình và các bạn phấn chấn mỗi khi nhắc lại mà thôi.

Hồi đó tôi cùng các anh Hồ Trân, Trương Sĩ Sằn, Lê Xuân Bân được anh Lê Văn Gioang, Giám đốc Trung tâm, phân công tổ chức các khoá học. Riêng tôi, thường sau mỗi khoá học được khai giảng, tôi vừa làm công tác kiểm tra lớp học vào các tối thứ hai, tư, sáu, vừa nhận phụ trách giảng dạy một lớp Pháp văn chứng chỉ A vào các tối ba, năm, bảy. Hồi ấy, tiếng Anh đang là “mode” thời thượng, khoá nào học viên cũng rất đông,  rất nhiều lớp. Pháp văn thì ngược lại, học viên thường rất ít. Học viên lớp tôi phụ trách  đa số là sinh viên học tiếng Pháp ngoại ngữ II ở đại học, hoặc các học viên lớn tuổi đã biết ít nhiều tiếng Pháp, bây giờ đến lớp để củng cố, ôn lại những gì đã học ngày xưa.

Khoá nào cũng vậy, khi mới khai giảng, học viên lớp tôi rất ít, nhưng sau vài buổi học là họ rủ nhau đến học rất đông, sĩ số thường lên tới trên 60. Vì quá đông, nhiều lúc Trung tâm muốn chia thành hai lớp nhưng học viên không chịu, chỉ thích cùng nhau học trong một lớp.

Thỉnh thoảng, anh Trương Sĩ Sằn đi thăm dọc hành lang các lớp để nắm tình hình học viên, có lần, anh ngạc nhiên vì sao lớp tôi đông mà học viên rất nề nếp, chăm chỉ, thỉnh thoảng lại vang vọng những tiếng cười sảng khoái rồi chợt im nghiêm túc nghe giảng, trong khi thầy giáo thường không đổi sắc mặt. Tôi đã trả lời anh như sự thật: mỗi lần lồng vào bài giảng một câu chuyện vui nào đó có liên quan đến bài học mà nét mặt thầy giáo vẫn tỉnh queo, như vậy chẳng khác gì mình cầm cái bơm, một tay đẩy bơm rất mạnh, tay kia bịt kín lỗ thoát hơi ở đầu bơm, học viên thấy thầy giáo không đổi sắc mặt, cũng ngại, chịu khó nín cười. Đến lúc nín quá chịu không nổi thì cả lớp vỡ oà cười thoải mái. Thế là bao nhiêu cơn buồn ngủ, hoặc mệt mỏi đều tiêu tan. Rồi cả lớp trở lại yên ắng.

Phần nhiều học viên lớp đêm thì hoặc là sinh viên, học sinh, hoặc công nhân viên chức, nghĩa là ban ngày họ đã làm việc, tối đến tinh thần và thể chất đã phần nào sút giảm, cho nên giáo viên đứng lớp cần dung hoà nhuần nhuyễn bài giảng của mình, nhiệt tình quá mà truyền giảng thuần tuý kiến thức mải miết qua từng buổi học thì có khi bị quá tải mà mình không biết. Trái lại, nếu kể chuyện vui nhiều quá thì sẽ lệch mục tiêu. Học viên đến Trung tâm là để học ! Chuyện vui lồng vào bài học chỉ là để gây cho học viên vài giây phút hưng phấn nhằm xua tan mệt mỏi vốn là bạn đồng hành với cơn buồn ngủ lúc đầu hôm.

Chuyện vui học đường thì nhiều, nhưng để đưa vào buổi học thì phải chọn thời điểm thích hợp. Mỗi khoá học gồm 10 tháng, tháng đầu tiên nặng về ổn định nề nếp, cung cấp kiến thức cơ bản theo bài học. Chỉ khi nào thấy học viên uể oải vì mệt mỏi, tôi kể một câu chuyện nhỏ, khoảng năm mươi giây hoặc một phút. Buổi học cuối tháng để tổng kết học tập và sinh hoạt lớp, tôi kể một chuyện dài, chừng năm ba phút trước hồi trống bãi.

Xin kể lại một số trường hợp mà tôi nghĩ mình đã khá thành công khi chuyển tải tinh thần giáo dục của người xưa: Hiếu ư học bất như duyệt ư học! Có nghĩa là hiếu học không bằng vui khi học.

Một buổi học chứng chỉ A khoá học năm 1992 còn khoảng 2 phút là hết giờ, tôi bắt đầu bằng một câu hỏi:

- Hồi chưa có điện thoại di động, có khi nào chỉ với một mẩu giấy không lớn hơn hột nút áo, các bạn có thể gởi cho người yêu của mình một tin nhắn rất nghiêm túc với đầy đủ nội dung mình muốn diễn đạt?

Một số học viên nhanh nhẩu:
- Không thể, thưa thầy một trang giấy cũng chưa đủ!
- Các anh chị nghe đây: Một hôm có một cô gái xinh đẹp muốn vào thăm người yêu của mình đang nằm viện nhưng bác sĩ có lệnh cấm bất cứ bạn gái nào vào thăm anh trong thời điểm đó. Bác sĩ cho bệnh nhân biết có một cô gái muốn vào thăm anh nhưng chưa được phép vào hôm nay. Nói xong, bác sĩ đưa cho bệnh nhân một mẩu giấy bằng 1cm2 và bảo anh muốn nhắn gì cho bạn gái thì hãy viết lên đó. Suy nghĩ một lúc, người bệnh viết lên mẫu giấy hai chữ cái: G.a và nhờ trao lại cho bạn gái mình. Nhận được thư, cô gái mừng rỡ thấy rõ và yên tâm về nhà. Vậy các bạn có nghĩ ra bệnh nhân đó muốn nói gì với cô người yêu của mình không?

Cả lớp:
- Dạ không, không !
- Các bạn thấy dạng chữ G so với chữ a thì thế nào?
Cả lớp: G lớn, a nhỏ
- Tốt lắm. Các bạn dịch câu đó sang tiếng Pháp coi.
Có một học viên ít chăm nhưng tính hay liều liều, đứng dậy:
- Em xin dịch
Cả lớp cười rộ
- Thưa thầy, đó là: G grand a petit
- Hoàn toàn đúng.
Cả lớp:
- Nghĩa là gì, thưa thầy?
Câu này các bạn đã học rồi, nghĩa là “Anh ăn đã ngon lắm”
Cậu học sinh khi nãy:
- Tức là: J’ai grand appétit
Cả lớp cười phá lên hào sảng.
Trống bãi một hồi dài...

* * *

Tám phút trước khi chấm dứt buổi học cuối tháng thứ hai của lớp học trên, cũng học viên liều liều đó gợi ý nhắc nhở thầy giáo kể chuyện:

- Thưa thầy, sắp trống bãi rồi!
- Vâng, ngày xưa có một phú ông sinh được một cô con gái. Khi lớn lên cô được ông gả cho một anh nông phu với vốn học Hán văn lõm bõm. Vợ phú ông qua đời khi ông ở độ tuổi trung niên. Một thời gian khá lâu sau, phú ông tục huyền với một người đàn bà còn khá trẻ. Khi ông bảy mươi tuổi thì bà sinh được một con trai, ông đặt tên là Phi.

Lúc Phi chừng lên năm, lão phú ông thấy mình đã yếu, bèn gọi chàng rể đến để dặn dò:
“Ta năm bảy mươi tuổi mà sinh con, thế thì chắc không phải con của ta. Vậy ta giao tất cả tài sản của ta cho vợ chồng anh, anh cố gắng mà giữ gìn chắt chiu chứ tuyệt nhiên không cho ai khác. Tuy nhiên, dù sao thằng Phi cũng đã được sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà này, vợ chồng anh cũng nên nuôi nấng nó cho tử tế, cho nó ăn học đàng hoàng là được, và chỉ thế thôi”. Nghe xong, chàng rể thưa: “Thưa cha chúng con vô cùng cảm ơn cha, nhưng “Khẩu thiệt vô bằng”, xin cha viết cho chúng con tờ di chúc”. Phú ông mỉm cười đôn hậu và nói: “Ta viết sẵn đây rồi, anh hãy đọc đi”. Nội dung tờ di chúc rất ngắn gọn:

“Ngã thất thập nhi sinh phi ngô tử giả kỳ gia tài giao dự tử tế ngoại nhân bất đắc lộng hành chiếm đoạt”.

Nên nhớ chữ Hán ngày xưa không có chữ hoa khi viết danh từ riêng, cũng không có dấu chấm câu, phết phẩy... Tuỳ vào nội dung văn bản mà người đọc ngắt câu, do vậy sự ngắt câu không chuẩn có thể làm thay đổi hẳn nội dung văn bản.

Trước khi giao bản di chúc cho cậu rể, phú ông mở tờ ra và đọc với các ngắt câu như sau:

“Ngã thất thập nhi sanh/ phi ngô tử giả/ kỳ gia tài giao dự tử tế/ ngoại nhân bất đắc lộng hành chiếm đoạt”.
Nghĩa là:
“Ta bảy mươi tuổi mà sinh, ấy không phải là con của ta vậy, số gia tài giao cho con rể, người ngoài không được lộng hành chiếm đoạt”.

Trong chữ Hán, các từ đồng âm dị nghĩa với chữ phi có rất nhiều, chẳng hạn:
- Phi: chẳng phải (phi lý, phi nghĩa)
- Phi: bay (phi cơ, phi trường)
- Phi: to lớn (phương phi)
- Phi: vợ thứ của vua (cung phi, mỹ nữ)

Phú ông lại lấy chữ phi thứ nhất (nghĩa là chẳng phải) để đặt tên cho con trai mình và cũng đã ghi vào gia phả như thế.

Nhận được di chúc cậu con rể yên chí giữ gìn cái tài sản kếch xù kia rất chu đáo cho mình, đồng thời cũng nuôi nấng thằng Phi ăn học đàng hoàng.

Đến khi thằng Phi lớn lên, học hành thành tài. Một hôm nó nghe bà con láng giềng kể chuyện ngày xưa cha nó rất giàu có, nhưng sao anh rể và chị gái nó không hề đề cập gì, bèn hỏi chuyện anh rể về gia sản của cha nó. Anh này dương dương tự đắc kể lại cách thức ông già đã để lại tài sản và tờ di chúc: Phi xin đọc, người anh rể tự tin mở hộp lấy di chúc đưa cho em vợ và bảo nó: “Cậu sẽ thấy trong di chúc này cha để lại toàn bộ tài sản cho vợ chồng tôi”. Thằng Phi cầm đọc tờ di chúc. Xong, nó hiểu ý cha mình muốn gì.

Thưa anh, nó lễ phép nói với anh rể, tất cả gia sản này là của em. Để em đọc anh nghe:

Ngã thất thập nhi sanh Phi/ ngô tử giả/ kỳ gia tài giao dự tử/ tế ngoại nhân bất đắc lộng hành chiếm đoạt”.

Nghĩa là: “Ta bảy mươi tuổi mà sinh thằng Phi, ấy là con của ta vậy. Số gia tài giao cho con, rể là người ngoài không được lộng hành chiếm đoạt”.

Nghe thế, anh rể giận dỗi cãi lại. Hai anh em cãi nhau rất lớn chuyện, người chị gái của Phi thấy thế bèn đề nghị lên thưa với quan huyện nhờ phân xử.

Quan huyện đọc bản di chúc, liền bảo:

- Bây hãy đem gia phả nhà bây đến ta xem. Nếu chữ Phi trong gia phả cũng được viết cùng chữ Phi trong di chúc thì tất cả tài sản này là thuộc về thằng Phi và cha chúng bây đã mượn tay người rể giữ gìn gia sản cho thằng Phi.

Và quả nhiên, tên thằng Phi viết trong gia phả cũng là chữ Phi trong di chúc. Kết quả: Tất cả tài sản bây giờ thuộc về thằng Phi.

Xem thế việc chấm phẩy trong câu rất quan trọng. Cho nên người xưa đã nói: “sai con toán bán con trâu, sai ngắt câu tiêu tùng gia sản” là thế.

* * *

Thông thường, cuối tháng thứ ba, tôi thường kể cho các học viên những câu chuyện mang ý nghĩa nhân văn, nhưng khá trào phúng. Một trong các câu chuyện được học viên hưởng ứng có nội dung sau:
Một hôm, một nhóm thương gia bốn người thuộc bốn quốc tịch khác nhau, cùng đi ngoạn cảnh ở Việt Nam vào lúc mà ngành du lịch của ta ngày ấy còn non trẻ. Tất nhiên, cả bốn du khách cùng ở một khách sạn. Buổi sáng, vào bữa điểm tâm, nhà hàng phục vụ mỗi người một ly sữa. Nhưng cậu chạy bàn nhà hàng lơ đễnh, trên mỗi ly sữa lềnh bềnh một con ruồi mà cậu ta không hay biết.
Khi người khách thứ nhất nhìn thấy con ruồi trong ly sữa mình thì lẳng lặng đi ra ngoài, không có một lời nào. Trước đó, cậu bồi bàn nghe ông ta chào mọi người: Bonjour, bonjour.

Thấy ông ta nhẹ nhàng đi ra, cậu bồi bàn nói thầm:

- Cái ông người Pháp này không thích sữa!

Đến đây cậu bồi bàn bắt đầu để ý quan sát. Bỗng cậu ta luống cuống vì thấy trong mỗi ly sữa của khách đang trôi nổi một con ruồi. Nhưng đã lỡ rồi đành cứ để vậy. Vả chăng, chúng ta mới thoát khỏi chiến tranh, nên ai cũng thương khổ bỏ qua!

Đến người khách thứ hai, khi thấy con ruồi trong ly mình, ông liền cầm ly ném toé xuống nền nhà, rồi phừng phừng bỏ đi. Cậu bồi bàn nói nhỏ: Ông hẳn là người Mỹ. Nóng nảy quá. Họ còn trẻ!

Người khách thứ ba, rõ ràng là một người châu Á, sau khi trông thấy con ruồi trong ly mình ông suy nghĩ đăm chiêu một hồi, cầm ly sữa ngắm ngắm một chút rồi nghiêng ly đổ bớt một phần sữa trên mặt ly qua một cái ly to bên cạnh. Xong, ông uống hết phần sữa còn lại, vui vẻ bước ra sân.

Cậu bồi bàn nói thầm, như nói với chính mình:

- Đúng rồi, nếu có vi trùng từ con ruồi toả ra, thì cũng chỉ mới bơi bơi trên mặt sữa mà thôi, phần còn lại vẫn tinh khiết như thường!

Ông khách thứ tư, bồi bàn thấy vừa quen quen, vừa lạ lạ, không xác định được quốc tịch nào, chỉ thấy hao hao giống chúng mình nhưng... không phải chúng ta!

Ông ấy cũng trông thấy một con ruồi trong ly sữa. Ông nhìn nó thật kỹ rồi nhẹ nhàng bấm cái cánh của nó bằng móng tay cái và tay trỏ, giơ nó lên cao ngay trên ly sữa cho giọt mấy giọt sữa rơi xuống ly rồi uống cạn ly sữa đến giọt cuối cùng. Xong rồi, vẫn với hai móng tay bấm chặt cánh con ruồi, từ từ đưa nó vào giữa hai vành môi rồi ... chíp chíp ... chíp chíp ... vài ba lần trước khi ném nó xuống đất.

Anh bồi bàn thẩn thờ, bâng khuâng tự hỏi: ông khách này... ông... ông ấy... người nước nào... đâu đây... thấy quen quen... Hình như là láng giềng của mình!


No comments:

Post a Comment