TRUNG TÂM NGOẠI NGỮ CENLET
NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG...
Huế là một thành phố văn hoá và du lịch, một nơi có nhiều trường trung học, đại học nổi tiếng, đào tạo ra nhiều nhà trí thức lỗi lạc. Trước hoàn cảnh đất nước đổi mới, mở cửa ra thế giới bên ngoài, ý thức rằng muốn tiếp thu những tinh hoa của thế giới, chúng ta cần phải biết ngoại ngữ để giao lưu, nghiên cứu và tiếp thu những kiến thức mới và ước mong làm giàu cho đất nước nói chung và thành phố Huế nói riêng...Vì thế, ngoại ngữ đã trở thành một công cụ không thể thiếu được trong việc học tập, giao lưu, trao đổi tri thức văn hoá và khoa học, mở rộng các mối quan hệ đối với các nước phát triển.
Trong bối cảnh đó, chúng tôi một nhóm nhỏ giáo viên dạy ngoại ngữ có sáng kiến ở một trung tâm ngoại ngữ tại Huế để bổ sung và nâng cao trình độ ngoại ngữ cho các học sinh, sinh viên cũng như giúp một số người lớn, những nhà kinh doanh muốn hợp tác trao đổi làm ăn với người nước ngoài...
Sau khi bàn bạc, trao đổi với nhau, chúng tôi gồm có Lê Văn Gioang, Hồ Trân, Tôn Thất Lập, Cao Hữu Điền đã nhất trí đi tiếp xúc gặp gỡ các vị lãnh đạo tỉnh, thành phố và các cơ quan chức năng trình bày ý kiến và mục đích để xin phép thành lập trung tâm ngoại ngữ. Đặc biệt, chúng tôi được tiếp xúc với các ông Lê Phước Thuý, Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo, ông Nguyễn Văn Mễ, Chủ tịch UBND Thành phố Huế và ông Phạm Hồng Nhi, Trưởng phòng Giáo dục Huế. Đây là các vị có tâm huyết muốn nâng cao trình độ ngoại ngữ người dân xứ Huế, vì thế các vị đã đồng ý và động viên chúng tôi thực hiện ý tưởng này.
Thế là chúng tôi, một mặt bắt đầu làm các thủ tục để xin phép mở trung tâm, một mặt đi tìm và liên hệ các anh chị em giáo viên ngoại ngữ để cộng tác với chúng tôi trong việc giảng dạy. Sau khi mời được một số khá đông anh em giáo viên hợp tác, chúng tôi bắt đầu tổ chức buổi họp đầu tiên tại Trung tâm Văn Thể Mỹ, 11 Đống Đa và sau đó tại nhà anh Lê Văn Gioang để triển khai kế hoạch chuẩn bị cho sự hình thành của Trung tâm.
Văn phòng liên lạc đầu tiên đặt tại 4 Hoàng Hoa Thám, còn nơi học tập tạm thời của Trung tâm đặt tại trường Tiểu học Lê Lợi.
Sau khi nhận được giấy phép, QĐ 455/UBND (1989) chúng tôi bắt tay thực hiện ngay nhiều công việc về công tác nhân sự, tài chánh, tiến hành quảng cáo...Trước tiên, chúng tôi xin thu thập các dữ liệu liên quan đến bằng cấp, học vị của các anh em trong Ban Điều hành tạm thời cũng như các giáo viên sẽ đứng lớp. Sau khi có các dữ liệu đó rồi, chúng tôi hợp đồng phòng Thông tin Văn hoá Thành phố Huế vẽ và viết lên
pa-nô lớn danh sách các giáo viên theo từng bộ môn Anh, Pháp, Đức, Nga. Chúng tôi đã cho dựng bảng danh sách giáo viên khá lớn này trước trường Lê Lợi, phía đối diện với Bưu điện trung tâm, nơi có nhiều người qua lại hoặc vào ra giao dịch. Họ có thể nhìn thấy rõ và đọc bảng quảng cáo dễ dàng. Ngoài ra, chúng tôi còn liên hệ các cơ quan chức năng xin phép phát những tờ rơi và dán những tờ quảng cáo nhỏ lên tường. Tuy đã có giấy phép rồi, nhưng chúng tôi vẫn lo sợ, sợ vì có thể bị hiểu lầm, sợ vì có kẻ lợi dụng dán chồng lên với những nội dung khác. Cách đây 20 năm, làm gì có vi tính hiện đại để in những tờ rơi đẹp như bây giờ. Chúng tôi phải viết bằng tay, cây bút là thanh tre nhỏ đập dập một đầu nhúng vào mực xạ để viết trên tờ giấy thô màu vàng. Chúng tôi phải kết hợp với trường Lê Lợi để chỉnh trang lại các phòng học, hệ thống điện, ánh sáng để phù hợp với các lớp học ban đêm.
Ngày khai giảng đã ấn định, học viên bắt đầu ghi danh tuỳ theo trình độ các chứng chỉ A, B, C đúng qui định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hầu hết học viên đều ghi danh học tiếng Anh và tiếng Pháp, còn tiếng Đức và tiếng Nga thì số lượng học viên còn ít, không thể mở lớp được. Thời gian đầu, Trung tâm có nhiều khó khăn trong việc tổ chức giảng dạy: thiếu các thiết bị hỗ trợ cho việc luyện nghe, giáo trình chưa đủ để cung cấp cho giáo viên, ngay cả phương tiện đi lại của giáo viên cũng chỉ có chiếc xe đạp...thế nhưng, khoá học đầu tiên đã thành công ngoài sự mong đợi của Ban Điều hành và toàn thể hội đồng sư phạm.
Sau một thời gian ngắn, nguồn tài chánh tương đối ổn định, chúng tôi đã tính toán để trả thù lao cho giáo viên trong học kỳ I của khoá đầu, còn bao nhiêu chúng tôi hoàn lại số tiền mượn giáo viên và tạm thời mua một ít vật dụng cần thiết cho Trung tâm, như máy Cassette, văn phòng phẩm, v.v... Rất may là gần cuối học kỳ, chúng tôi có dịp gặp gỡ một nhà hảo tâm người Đức qua trung gian tiến sĩ Thái Thị Kim Lan. Qua trao đổi, ông Bưhmer thấy thiện chí của chúng tôi, ông đã tặng Trung tâm một số tiền mua 20 máy Cassettes TOSHIBA để hỗ trợ việc giảng dạy của giáo viên, hiện thời các máy này vẫn còn khá tốt.
Trung tâm ngày càng phát triển, học viên ngày càng nhiều, số lượng lớp ngày càng tăng, trường Tiểu học Lê Lợi không đủ phòng cho học viên học, Trung tâm đành phải rời trường đầu tiên để chuyển đến Hai Bà Trưng có nhiều phòng học hơn. Thế là bảng hiệu của Trung tâm CENLET được gắn lên dọc đường Lê Lợi, một con đường quan trọng của thành phố Huế. Một lần nữa Trung tâm lại chỉnh trang lại hệ thống ánh sáng và quạt để phù hợp với lớp ban đêm và mùa nắng nóng. Rồi với thời gian, số phòng học ở trường Hai Bà Trưng cũng không đáp ứng được nhu cầu cho số học viên đến lớp, Ban Điều hành đã xin phép để mở thêm ở trường Quốc Học, rồi sau đó qua trường Nguyễn Huệ.
Trong thời gian này, việc giảng dạy của Trung tâm đã ổn định: chương trình được thực hiện theo đúng chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thầy Trương Sĩ Sằn, chuyên viên ngoại ngữ của Sở Giáo dục-Đào tạo Thừa Thiên Huế, đồng thời là phó giám đốc phụ trách chuyên môn của Trung tâm, với sự năng động, lòng say mê, ước vọng nâng cao năng lực dạy học của các giáo viên Trung tâm nên đã bổ sung nhiều tư liệu hay thu thập được thông qua các đợt tập huấn tại Anh, Singapore, Israel... tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề, trao đổi kinh nghiệm về đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra và đánh giá... Những hoạt động này đã góp phần rất lớn trong việc nâng cao nghiệp vụ sư phạm của giáo viên, sự phát triển của Trung tâm, tác động đến việc thay đổi cách dạy và học ngoại ngữ ở các trường trung học trong tỉnh...
Từ 1991 đến 1997 là những năm cực thịnh của Trung tâm CENLET, nhưng rồi CENLET lại đi vào một giai đoạn khó khăn vừa do bởi tình hình chung của toàn quốc, vừa là sự hình thành của một số trung tâm ngoại ngữ tại Huế với phương thức cạnh tranh thiếu lành mạnh. Do đó, số lượng học viên của Trung tâm CENLET bắt đầu giảm sút một ít. Trong hoàn cảnh đó, Ban điều hành và tập thể giáo viên vẫn giữ vững lòng tin, quyết tâm giảng dạy tốt, phấn đấu đảm bảo chất lượng để giữ uy tín và sự phát triển bền vững của Trung tâm.
Cũng trong thời gian này, do đời sống kinh tế thay đổi, giá cả nhiên liệu xăng dầu tăng, vấn đề giao thông vận chuyển gặp khó khăn, nên các cơ sở xa của Trung tâm, các vùng phụ cận phải tạm nghỉ chúng tôi chỉ chú trọng vào các cơ sở nội thành, nhưng dù sao, Trung tâm cũng đã góp phần nâng cao trình độ ngoại ngữ cho học sinh, cán bộ công chức ở các vùng nông thôn theo yêu cầu của Sở Giáo dục và Đào tạo. Qua những năm tháng thăng trầm, trước những khó khăn, Trung tâm CENLET chúng tôi vẫn luôn quyết tâm và vững bước đi tới, luôn đảm bảo thương hiệu bằng uy tín giảng dạy, tác phong mẫu mực, trung thực và nghiêm túc trong thi cử, theo đúng mục đích ban đầu là đóng góp vào sự phát triển ngoại ngữ, nâng cao trình độ dân trí, văn hoá của tỉnh nhà.
Hiện nay, ngoài các lớp ngoại ngữ trình độ A,B,C được dạy học theo chỉ đạo chương trình của Bộ Giáo dục-Đào tạo, Trung tâm CENLET cũng đã mở các lớp tiếng Anh đặc biệt, như tiếng Anh giao tiếp và du lịch, luyện thi TOEIC, luyện thi TOEFL truyền thống, luyện thi TOEFL iBT qua mạng Internet online. Những lớp này do các giáo viên nước ngoài giỏi, tận tâm, giàu kinh nghiệm, các giáo viên trong nước đã tốt nghiệp MA, PhD trong nước và nước ngoài đảm trách.
Nhìn lại 20 năm qua, cho dù có những bước thăng trầm, CENLET vẫn luôn đứng vững, có uy tín và đóng góp với thành phố một phần trong việc đào tạo ngoại ngữ cho giới trẻ, giúp thành phố đi lên, theo kịp đà phát triển của đất nước trong thời kỳ phát triển và hội nhập. Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới, Trung tâm CENLET cố gắng vươn lên nữa, tìm những đường hướng mới để phát triển. Bằng mọi cách Trung tâm sẽ nghiên cứu các giáo trình hay, tốt, phù hợp cho mọi đối tượng học viên, đồng thời tuyển chọn những giáo viên giỏi, nhiệt tình và có kinh nghiệm để đáp ứng các yêu cầu về chất lượng dạy học, lòng tin yêu của các học viên, sự tin tưởng của quý lãnh đạo tỉnh, thành phố trong nhiều năm qua.
No comments:
Post a Comment