Thursday, November 26, 2009

Dương Thị Hoàng Oanh

Trung Tâm Ngoại Ngữ Cenlet và những kỷ niệm khó quên …
Dương Thị Hoàng Oanh, PhD
Đại Học Huế


Nhắc đến Huế, không ai không biết đến trường Trung học Phổ thông Quốc Học và Hai Bà Trưng. Nhắc đến hai ngôi trường này, không ai lại không biết đến đó vốn là nơi đặt “tổng hành dinh” của một trung tâm ngoại ngữ đã ra đời từ lâu, đã có một lịch sử phát triển cùng với sự phát triển việc dạy và học tiếng Anh tại thành phố Huế, Trung Tâm Ngoại Ngữ CENLET, hiện đặt cơ sở tại Quốc Học và Hai Bà Trưng.

Với thời đại hôm nay, ai ai cũng công nhận rằng tiếng Anh đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc giúp xã hội phát triển, hội nhập vào nền kinh tế, chính trị, xã hội của cộng đồng quốc tế, giúp thanh niên tiếp cận các chương trình đào tạo tiên tiến trong và ngoài nước, giúp họ tìm được việc làm có thu nhập cao và ổn định, giúp họ có phương tiện tự nâng cao trình độ, hiểu người, hiểu ta về các mặt văn hóa, giáo dục, phong cách sống và làm việc. Nhiều người cho rằng trong thực tế tiếng Anh đang thực sự trở thành một vấn đề cốt yếu, có vai trò rất quan trọng trong xã hội Việt Nam trong thời điểm này. Vì thế, dù thích hay không thích, dù cảm thấy phấn khích hay thực sự khó học và nản lòng, nhưng vì một tương lai xán lạn hơn thì người ta cũng phải chấp nhận để cố gắng học nó. Tuy nhiên, vào những năm 90 của thế kỷ trước, thái độ và sự đánh giá tầm quan trọng của ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng không phải hoàn toàn rõ ràng như vậy.

Vào đầu những năm 90, người ta đến với tiếng Anh với một thái độ dè dặt, bởi lẻ vào thời điểm ấy có nhiều thiếu thốn và bất cập trong đội ngũ giáo viên, giáo trình và phương pháp giảng dạy. Trong bối cảnh đó, việc thành lập Trung Tâm Ngoại Ngữ CENLET, Trung tâm ngoại ngữ đầu tiên ở Huế đã có một ý nghĩa lớn, mang tính đóng góp vào sự giảng dạy và học tập tiếng Anh của Huế và các vùng phụ cận. Bắt đầu từ việc thành lập một, hai địa điểm, cho đến nay, dù có nhiều trung tâm ngoại ngữ khác được thành lập, Trung tâm Ngoại ngữ CENLET vẫn phát triển thêm, đứng vững, và giữ được uy tín đào tạo của mình. Đối với tôi, thì Trung tâm Ngoại ngữ CENLET không chỉ là một nơi làm việc, mà còn hơn thế, đã gắn liền với một số kỷ niệm khó quên của tôi đối với các bạn đồng nghiệp và gia đình.

Năm 1990, sau khi tu nghiệp cao học ngành giảng dạy tiếng Anh ở Úc về, tôi sinh một đứa con gái đầu long. Trở về nước, hội nhập lại cuộc sống ở quê hương, thú thật là có nhiều bỡ ngỡ và khó khăn. Thời ấy thì đồng lương giáo viên thấp và gần như là nguồn thu nhập duy nhất, chúng tôi rất ít dạy thêm và khái niệm mở các trung tâm tư nhân vẫn còn xa lạ. Thế mà, một nhóm giáo viên và chuyên viên giáo dục đã mạnh dạn khởi xướng thành lập Trung tâm Ngoại ngữ CENLET. Từ lúc trở về nước, tôi đã nghe các bạn đồng nghiệp ca ngợi Trung tâm này, vì tính nghiêm túc, chuyên nghiệp và hiệu quả của nó, và cũng như yêu cầu cao trong việc tuyển chọn giáo viên. Vì con còn nhỏ, nên tôi tuy có dự định sẽ xin giảng dạy thêm ở Trung tâm nhung tôi chưa có cơ hội tiếp cận với Ban Giám đốc. Một ngày nọ, sau khi đi dạy ở trường Đại học Tổng hợp về, tôi được báo là nhà có khách, đang chờ đợi để nói chuyện với tôi. Và đó cũng là lần tiếp xúc đầu tiên của tôi với ông Giám đốc CENLET, người đã thân chinh đến nhà để mời tôi tham gia vào đội ngũ giáo viên giảng dạy của Trung tâm. Lúc đó, là một giáo viên trẻ, tôi cảm thấy rất vinh hạnh được Ban Giám đốc chiếu cố như vậy. Tôi hăng hái nhận lời và gần như là bắt tay vào việc ngay vào tuần kế tiếp. Kể từ đó, tôi đã gia nhập vào gia đình CENLET, đã gắn bó với Trung tâm trong một khoảng thời gian dài với những kỷ niệm thú vị dễ thương khó quên…. Trong những năm trở lại đây, do bận công tác, học tập và nhiều vướng bận khác, tôi không còn trực tiếp tham gia giảng dạy tại Trung tâm nữa, nhưng vẫn luôn giữ môi quan hệ mật thiết với Ban Giám đốc và các bạn đồng nghiệp ở đó. Tôi vẫn xem mình là một thành viên (có phần kỳ cựu) của Trung tâm này.

Có lẽ điều làm tôi nhớ rõ nhất là sau những ngày đầu hăng hái giảng dạy, được học viên ủng hộ và khen ngợi, tôi bắt đầu thấm thía việc phải đi dạy vào buổi chiều tối khi có con nhỏ. Cháu gái không thích xa mẹ, và khóc suốt trong lúc tôi đến cơ sở Hai Bà Trưng để dạy. Thế là cứ mỗi tối, sau khi mẹ rời nhà để đi dạy thì ba cháu cũng rời nhà, cùng với các chú trong cơ quan bế cháu đi loanh quoanh đợi mẹ về để cháu khỏi khóc. Rốt cuộc là cả nhóm các ông kéo nhau đến cổng trường Hai Bà Trưng chỉ vào trong trường, dỗ dành cháu: “Ngoan đi, Nikki, mẹ đang ở trong đó, mẹ sắp ra với con rồi …” Cứ thế mà ông xã tôi loay hoay với bé con gần 2 tiếng đồng hồ trong thời gian tôi đứng lớp. Tôi vẫn còn nhớ như in khi tôi vừa tan dạy ra, trong đám đông mọi người, tôi vẫn còn như thấy đôi mắt ngơ ngác còn ngấn nước của con gái đang ngóng tìm mẹ và khuôn mặt cháu bừng lên với nụ cười tươi khi thấy mẹ. Và quanh cháu là ba (nụ cười của ba cháu cũng tươi chẳng kém) và các chú cũng kêu mẹ ríu rít, thật là ngoạn mục và làm mọi người chú ý. Tôi vừa hơi ngượng, vừa sung sướng đưa hết sách vở cho chồng tôi để đón con, ôm con vào lòng và thơm lên mùi tóc còn thơm sữa của cháu. Sau lưng tôi là tiếng các đồng nghiệp true: “Chà sướng chưa, đi dạy mà có cả chồng, con và … cả tùy tùng đi đón nữa…”

Thòi gian dần trôi, tôi cũng tự tin hơn hơn, lớp học sôi nổi hơn, gắn bó với mọi người hơn. Mấy buổi dạy đầu tiên, tôi vẫn thỉnh thoảng thấy ông Giám đốc thấp thoáng trong hành lang, chắc là để kiểm tra lớp học và cả cô giáo, nhưng sau đó thì tôi không thấy ông nữa, chắc là tôi đã chiếm được lòng tin của ông về chất lượng và phương pháp giảng dạy. Tôi đã được khuyến khích sử dụng nhiều phương pháp giảng dạy mới theo giao tiếp, lấy người học làm trung tâm, sử dụng các trò chơi gây hứng thú và môi trường giao tiếp tự nhiên… Ngoài việc ứng dụng những phương pháp này ở trường đại học, nơi mà tuy không nhiều thì ít chúng tôi đều bị ràng buộc bởi số lượng sinh viên, thời lượng và yêu cầu của chương trình, tôi có dịp ứng dụng vào việc giảng dạy tại Trung tâm. Tại Trung tâm, chúng tôi không bị ràng buộc gì nhiều, mà tập trung vào việc nâng cao chất lượng cho học viên, đáp ứng tốt nhu cầu của họ và để đầu ra đạt yêu cầu, nên cũng có phần chủ động hơn. Tôi vẫn còn nhớ nhiều lớp học của tôi áp dụng trò chơi rôm rả, sử dụng ô chữ đố vui, hoặc tập hát cùng nhau.

Không những thế, trong những dịp lễ lớn, Trung tâm cũng tổ chức để giáo viên và học viên giao lưu, có những hoạt động tập thể “học mà chơi, chơi mà học”, cũng như củng cố tinh thần đồng đội của đội ngũ giáo viên, vốn hội tụ về Trung tâm từ nhiều trường và cơ sở khác nhau. Hai kỷ niệm dễ thương nhất mà tôi vẫn còn nhớ là nhân dịp Noel, thầy Giám đốc đã cùng tôi đi dến các lớp, thầy đàn organ còn tôi thì lĩnh xướng và hướng dẫn các học viên hát bài “Jingle Bells”. Các lớp thật là hào hứng, mọi người đều cùng hát vang bài ca giáng sinh bằng tiếng Anh, và dịp này đã khơi dậy phong trào “học tiếng Anh qua bài hát” sôi nổi trong một số lớp học. Cũng phải nói thêm rằng phần lớn các giáo viên ngoại ngữ đều có chút it năng khiếu và yêu thích văn nghệ, hoặc biết đàn một nhạc cụ phổ biến hoặc ca hát. Chính vì thế mà nhiều lớp học đã trở thành một điểm học, điểm thực hành không những bổ ích mà còn rất lý thú cho việc trau dồi tiếng Anh, vốn văn hóa và vui chơi giải trí.

Kỷ niệm thứ hai mà tôi vẫn còn mỉm cười thú vị khi nhớ đến những giây phút “trẻ hóa” của đội ngũ giáo viên, cũng “quậy phá” vui chơi hết mình chảng kém ai, trong những lúc họp mặt do Trung tâm tổ chức. Không những chỉ thi hát hay, mà trung tâm còn trao giải cho người hát tệ nhất, được mệnh danh là “giọng ca … xệ”. Thật bất ngờ, toàn bộ Ban giám khảo đều nhất trí tăng giải này cho một cô giáo trẻ, dễ thương, năng động, là người đầu trò trong các trò chơi và ca hát, nhưng đúng là “hay hát” chứ không phải là “hát hay”. Thú vị hơn nữa là khi xướng tên, người “bị” đạt giải này lại rất phấn khởi, la hét và cười hết cỡ với bạn bè; đúng là tinh thần thể dục thể thao “fair play”, “ham vui là chính”!!!! Cho đến nay, thỉnh thoảng gặp nhau, chúng tôi vẫn còn trêu cô bạn này, đã được “lưu danh muôn thưở” với một nick name (tên lóng) có một không hai do Trung tâm trao tặng….

Không những chỉ có những hoạt động nội bộ trong Trung tâm, mà Trung tâm còn chủ động tổ chức các hội thảo về phương pháp giảng dạy tiếng Anh kết hợp với Sở Giáo dục dành cho các giáo viên cấp 2 và 3. Tôi cũng đã được mời báo cáo trong một dịp như thế. Vào lúc đó, như đã nói ở trên, phương pháp giảng dạy giao tiếp vẫn còn khá mới mẻ đối với giáo viên giảng dạy tiếng Anh, nên những phương pháp tôi giới thiệu (như giải đáp ô chữ, ghép câu, ghép trích đoạn theo nhóm, đóng kịch theo phân vai, các chiến lược để xây dựng kỹ năng giao tiếp mức độ ngôn ngữ, phi ngôn ngữ, cấp diễn ngôn, khía cạnh văn hóa và xã hội của ngôn ngữ tiếng Anh …) đều được mọi người hồ hởi tham gia. Cũng chính nhờ dịp này mà tôi đã được làm quen và học hỏi từ nhiều gương mặt lão thành và nổi tiếng mà trước đó tôi chưa có dịp được tiếp kiến. Nhiều năm sau này, khi tôi gặp lại một số thầy cô đã tham gia lớp tập huấn, họ đã báo với tôi rằng một số phương pháp mà chúng tôi cùng thảo luận đã được họ ứng dụng thành công và có hiệu quả trong các lớp học của họ. Đó thật sự là một món quà vô giá cho các giáo viên chúng ta trong cuộc đời dạy học và nghiên cứu của mình….

Ngày nay, ở các trường học, tiếng Anh dần được đưa vào sớm hơn, từ cấp tiểu học thay vì cấp THCS như trước kia. Từ trẻ con 4 tuổi cho đến người lớn đều phải học hoặc ít ra cũng phải biết chút ít. Trẻ nhỏ muốn vào được trường chuyên, lớp chọn phải học tiếng Anh. Sinh viên ra trường muốn có việc phải biết tiếng Anh. Còn những người đã đi làm, muốn thăng tiến thì cũng không thể không có tiếng Anh. Giáo trình được cải tiến hơn trước, tiết học cũng nhiều hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, tỷ lệ thực sự những người có khả năng sử dụng tiếng Anh thông thạo của ta vẫn chưa cao cho dù khí thế học tiếng Anh rất nhiệt tình và sôi nổi. Điều này đã gây ra nhiều trăn trở cho các cán bộ trong cũng như ngoài ngành giáo dục. Trong xã hôi đã nảy sinh ra một nghịch lý: những người giỏi tiếng Anh thì không có chuyên môn khác để làm việc, trong khi đó những người giỏi chuyên môn, nghiệp vụ thì tiếng Anh lại hạn chế, hoặc chỉ dừng lại ở mức độ hiểu thụ động chứ chưa dùng được một cách chủ động trong giao tiếp và làm việc, kể cả kỹ năng nói và viết. Tiếng Anh đã thực sự có một vai trò mới, nên được sử dụng như một công cụ để thực hiện công tác chuyên môn. Nhu cầu về xã hội, kinh tế và tình hình thực tiễn đã đặt ra cho ngành đào tạo tiếng Anh nhiều cơ hội lẫn thách thức. Vai trò của các trường chuyên ngữ và các trung tâm ngoại ngữ chất lượng cao ngày càng được coi trọng và là tâm điểm của nhiều tổ chức giáo dục và xã hội. Trong bối cảnh đó, Trung tâm Ngoại ngữ CENLET cũng đang phấn đấu để duy trì và phát triển uy tín và hiệu quả đào tạo của mình. Xin chúc Trung tâm ngày càng phát triển vững mạnh, và luôn là địa chỉ đáng tin cậy của những học viên đã, đang và sẽ theo học tại Trung tâm.

(Huế, 5/8/2009)

No comments:

Post a Comment