TRUNG TÂM NGOẠI NGỮ CENLET
20 NĂM HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
20 NĂM HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
LÊ VĂN GIOANG
Giám đốc Trung tâm
Một ngày có lẽ là đẹp trời và đẹp lòng của tháng 5 năm 1989, một số đồng nghiệp dạy tiếng Pháp – các anh Cao Hữu Điền, Tôn Thất Lập, Trương Văn Minh, Hồ Trân và tôi (lúc ấy dạy tiếng Anh ở trường Trung học phổ thông Gia Hội, Huế) – đã đồng tình và quyết định thành lập CÂU LẠC BỘ GIÁO VIÊN NGOẠI NGỮ (Club des Enseignants des Langues Étrangères), viết tắt là CENLET. Và danh từ ‘CENLET’ ra đời từ đó. Trụ sở đầu tiên của CENLET đặt tại số 4 đường Hoàng Hoa Thám, thành phố Huế.
Câu lạc bộ CENLET ra đời với những định hướng và mục đích cụ thể sau đây:
- Hỗ trợ chính sách đổi mới của Nhà nước để phát triển đất nước trong giai đoạn mở cửa; nhu cầu quan hệ với thế giới ngày càng mở rộng và do đó, ngoại ngữ là công cụ cần thiết trong quan hệ đối tác và giao lưu với thế giới;
- Góp tiếng nói khẳng định thành phố Huế là thành viên của Hiệp hội quốc tế các thành phố có sử dụng tiếng Pháp (AIMF);
- Góp phần trang bị trình độ ngoại ngữ cho quần chúng thuộc nhiều thành phần khác nhau có nhu cầu học ngoại ngữ thực sự;
- Góp phần tập hợp thầy cô giáo dạy ngoại ngữ trên địa bàn thành phố để có thể phát huy thế mạnh của bản thân, đóng góp vào phong trào đổi mới chung của tỉnh nhà.
Với những ý nghĩa thực tiển đó, CÂU LẠC BỘ GIÁO VIÊN NGOẠI NGỮ và sau đó là TRUNG TÂM NGOẠI CENLET đã thành lập và nhận được nhiều sự ủng hộ từ Ủy ban Nhân dân thành phố Huế, Phòng Giáo dục thành phố Huế, Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế và của nhân dân Thừa Thiên Huế.
Tháng 7 năm 1989, Trung tâm được phép mở các lớp tiếng Anh và tiếng Pháp tại trường tiểu học Lê Lợi với số lớp khai giảng đầu tiên là 10 lớp, sau 2 tháng tăng lên 20 lớp. Sau 3 tháng thử thách và nhận thấy công việc của Trung tâm có hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu của nhân dân thành phố, UBND Thành phố Huế chính thức ra quyết định số 455 QĐ/UB ngày 6 tháng 10 năm 1989 do Ông Nguyễn Văn Mễ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Huế ký và cử Ban điều hành Trung tâm gồm:
- Ông Lê Văn Gioang, Trưởng Ban điều hành
- Ông Cao Hữu Điền, Phó Ban điều hành
- Ông Trương Văn Minh, Thư ký và kế toán.
Trong thời gian đầu Trung tâm chỉ được phép giảng dạy tiếng Anh và tiếng Pháp theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việc tổ chức thi mãn khóa và cấp chứng chỉ do Khoa ngoại ngữ của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đảm trách.
Sau đó, Trung tâm được bổ sung chức năng Dịch thuật, theo quyết định số 243QĐ/UB ngày 30 tháng 5 năm 1990 của UBND thành phố Huế.
Do nhu cầu chuyển đổi công tác và khối lượng công việc của Trung tâm ngày càng nhiều, nên tôi mời thêm các anh Lê Văn Khôi, Tôn Thất Viễn Bào, Trương Sĩ Sằn làm phó Giám đốc Trung tâm và anh Lê Xuân Bân, phụ trách giáo vụ.
Sau hơn 2 năm nổ lực hoạt động và đã đạt được một số thành quả ban đầu về mặt chất lượng dạy và học, cũng như về tổ chức và đội ngũ giảng viên, Trung tâm được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận theo quyết định số - 5699/TC-BT, do ông Nguyễn Nhật Quang – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường Xuyên và Tại chức ký ngày 23 tháng 10 năm 1991, cho phép Trung tâm được tổ chức thi và cấp chứng chỉ A tiếng Anh và tiếng Pháp.
Mùa hè năm 1990, hoạt động của trung tâm ngày càng phát triển tốt, số lượng học viên theo học ngày càng đông. Do cơ sở trường tiểu học Lê Lợi không đủ phòng học, nên chúng tôi xin chuyển đến trường Hai Bà Trưng, và sau đó khoảng một năm, khi số lượng học viên phát tăng mạnh, chúng tôi xin mở thêm cơ sở thứ 2 tại trường Quốc Học – Huế, với sự hỗ trợ của ông Âu Thanh Minh, lúc bấy giờ là Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo Thừa Thiên Huế. Với tầm vóc lịch sử lịch sử của 2 ngôi trường trung học lớn nhất và đẹp nhất của thành phố Huế, Trung tâm CENLET đã may mắn có được những thuận lợi lớn ban đầu về mặt cơ sở vật chất và không gian hoạt động dạy và học, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững và lâu dài của trung tâm sau này.
Ngày 14 tháng 9 năm 1992 theo quyết định số 6026/TC-BT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm được quyền tổ chức thi và cấp chứng chỉ B tiếng Anh và tiếng Pháp.
Qua nhiều đợt khảo sát, kiểm tra thực tế, Bộ GD&ĐT cho phép Trung tâm được tổ chức các kỳ thi và cấp chứng chỉ C theo quyết định số 4017/GDTX do Thứ trưởng Trần Xuân Nhĩ ký ngày 20 tháng 6 năm 1994.
Giai đoạn từ năm 1991 đến năm 1997 là giai đoạn phát triển rực rỡ của Trung tâm. Đây cũng là giai đoạn mà phong trào dạy và học ngoại ngữ trong cả nước dâng cao khi đất nước bước vào thời kỳ mở cửa và đổi mới mạnh mẽ, đặc biệt mở rộng giao thương và ngoại giao trên trường quốc tế. Để đáp ứng nhu cầu học tập rộng rãi của học sinh, sinh viên và cán bộ ở thành phố Huế cũng như tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm đã lần lượt mở thêm nhiều chi nhánh và hợp đồng giảng dạy tiếng Anh tại nhiều cơ quan:
Ở địa bàn thành phố Huế, ngoài hai cơ sở chính là Quốc Học và Hai Bà Trưng, Trung tâm còn mở thêm 2 chi nhánh khác, đó là: cơ sở CENLET - THPT Nguyễn Huệ và cơ sở CENLET - Cao Đẳng Sư Phạm Thừa Thiên Huế.
Ngoài ra theo nhu cầu nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ CNVC tại các cơ quan nhà nước, Trung tâm đã hợp đồng giảng dạy tiếng Anh tại các cơ quan như: Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố Huế, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, Khách sạn Lê Lợi, Khách sạn Hương Giang, v.v.
Ở khu vực huyện: Cùng với phong trào phát triển dạy và học ngoại ngữ rộng khắp trong tỉnh, các trường THPT trọng điểm của các huyện cũng có nhu cầu mở các chi nhánh CENLET. Trong giai đoạn này Trung tâm đã có chi nhánh tại các huyện sau:
- Huyện Phú Vang: Chi nhánh CENLET tại Trường THPT Phan Đăng Lưu và trường Tiểu học Thuận An.
- Huyện Hương Thủy: Chi nhánh CENLET tại Trung tâm Giáo dục Thường xuyên huyện Hương Thủy và Trường THPT Phú Bài.
- Huyện Quảng Điền: Chi nhánh CENLET tại Phòng GD Quảng Điền
- Huyện Phong Điền: Chi nhánh CENLET tại Trường THPT Phong Điền, và Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu.
- Huyện Phú Lộc: Chi nhánh CENLET tại Trường THPT An Lương Đông và Trường THPT Phú Lộc.
Sau hơn 4 năm Trung tâm phát triển rất mạnh, đặc biệt về mặt số lượng, phong trào học ngoại ngữ mang tính chất “đại trà”đã dần dần lắng xuống. Một mặt do mục đích và động cơ học tập chưa rõ ràng; mặt khác, việc học ngoại ngữ “thực sự” để sử dụng ngoại ngữ đó một cách có hiệu quả không dễ dàng và đơn giản như nhiều người lầm tưởng cho nên số lượng học viên theo học tại các trung tâm ngoại ngữ ban đêm giảm dần. Giai đoạn khó khăn nhất mà trung tâm đã trải qua là từ cuối năm 1999 cho đến hết năm 2002. Trong giai đoạn này trung tâm đã thu hẹp dần các chi nhánh vùng huyện; chỉ còn giữ lại 2 cơ sở chính là Quốc Học và Hai Bà Trưng mãi cho đến giai đoạn “phục hưng” từ tháng 9/2003 cho đến nay.
Ngay từ khi mới thành lập với biết bao điều khó khăn – cơ sở vật chất , đội ngũ giảng viên không có sẵn, v.v., việc cạnh tranh để tồn tại là một qui luật không tránh khỏi, Ban Điều hành trung tâm đã quyết tâm chủ trương: Chỉ có một con đường duy nhất là cạnh tranh lành mạnh – Chất lượng dạy và học phải được đặt lên lên hàng đầu.
Để từng bước tạo được uy tín cho Trung tâm, đồng thời đảm bảo chất lượng dạy và học, Trung tâm đã mời những giảng viên có kinh nghiệm lâu năm trong nghề từ các trường Đại học Ngoại Ngữ, từ các trường Trung học phổ thông trong tỉnh. Trung tâm luôn lắng nghe ý kiến đóng góp dân chủ của giáo viên; luôn tạo điều kiện, cung cấp chương trình, băng đĩa, tài liệu mới đến từng giáo viên, đồng thời đồng thời cung cấp sách giáo khoa miễn phí cho học viên;
Tạo điều kiện cho giáo viên tiếp cận với phương pháp dạy-học mới có hiệu quả hơn. Điều này tạo nên sự phối hợp nhịp nhàng và đồng bộ trong các hoạt động dạy và học.
Song song với việc nâng cao chất lượng dạy và học, Trung tâm đã tổ chức các Kỳ thi mãn khóa rất nghiêm túc, đúng qui chế thi của Bộ GD-ĐT; luôn luôn có những biện pháp hữu hiệu để ngăn chận những trường hợp tiêu cực trong quá trình thi như: thi hộ, quay cóp tài liệu, ra đề thi dễ v.v. Chất lượng đề thi theo chuẩn mực và dạng thức đề thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo; không khuyến khích đối tượng thí sinh dự do mà không qua đào tạo. Một minh chứng cụ thể cho chất lượng đầu ra, đó là tỷ lệ học viên thi đỗ mãn khóa bình quân từ 65 % – 75 %.
Trung tâm luôn luôn đảm bảo quỹ thời gian đào tạo đã đưa vào chương trình học từ trước; không bao giờ rút ngắn khóa học và ngược lại, nếu có trường hợp nghỉ học do nhà trường bận, bảo lụt, v.v., thì học viên sẽ được học bù vào cuối khóa. Theo lý thuyết phân phối chương trình: Chứng chỉ A & B: 10 tháng (258 tiết); chứng chỉ C: 11 tháng (282 tiết). Tuy nhiên trong thực tế, sau khi đã trừ thời gian nghỉ Lễ, Tết, và thời gian các trường Quốc Học và Hai Bà Trưng bận sử dụng trong các kỳ thi tỉnh và quốc gia, thời gian thực học cho mỗi cấp độ phải mất một năm (12 tháng) mới kết thúc chương trình học và thi mãn khóa.
Ngoài ra nhằm mục đích trẻ hóa và bổ sung đội ngũ giảng viên, hằng năm Trung tâm còn tuyển các sinh viên vừa tốt nghiệp hạng Giỏi và Cận giỏi (có qua thực tập giảng dạy tại Trung tâm; được Ban Giám đốc trung tâm dự giờ và đánh giá). Đây là một giải pháp mang tính tích cực và hữu hiệu, tạo nên sự tương tác và sự nối tiếp truyền thống của Trung tâm qua các thế hệ, đồng thời góp phần tạo nên sự trẻ trung dân chủ và thân thiện – một trong những vẻ đẹp và thế mạnh của Trung tâm ngoại ngữ CENLET.
Ngoài chương trình ngoại ngữ A, B, C chính quy, Trung tâm còn mở các lớp Giao tiếp, luyện thi các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế: TOEFL, IELTS, TOEIC nhằm đa dạng hóa các loại hình đào tạo, đồng thời đáp ứng nhu cầu thực học của sinh viên và học sinh chuẩn bị du học.
Trung tâm cập nhật các giáo trình và phương pháp, kỹ thuật giảng dạy mới để củng cố và phát triển chất lượng dạy và học, luôn giữ vững uy tín của một trung tâm chuyên nghiệp có một thế đứng nhất định ở thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trung tâm đã và đang nỗ lực hết mình để phát huy những thuận lợi cơ bản và khắc phục những khó khăn trên chặng đường phát triển. Một trong những ước mơ lớn của Trung tâm là có cơ sở vật chất riêng để chủ động trong việc tổ chức giảng dạy, trang bị phòng học chất lượng cao với đầy đủ nguồn tư liệu day-học cập nhật, các thiết bị nghe nhìn hiện đại đáp ứng nhu cầu của người học, theo kịp các chuẩn mục học ngoại ngữ như ở các thành phố lớn trong nước hiện nay.
Với tư cách là một tổ chức quần chúng hỗ trợ chủ trương và chính sách đổi mới của nhà nước, Trung tâm Ngoại Ngữ CENLET – đã đứng vững và phát triển trong 20 năm qua, vượt qua bao thăng trầm, giữa một thành phố có nhiều trường Đại học – là một thực thể đáng khích lệ, tự hào. Chúng tôi, tập thể thầy cô giáo của Trung tâm đã rất hạnh phúc khi tên gọi CENLET đã đi vào lòng người dân Huế như một danh từ chung có ý nghĩa gần như là ngoại ngữ. Để trả lời câu hỏi: “... Đi học thêm ngoại ngữ ở đâu?” đã có nhiều người dân ở Huế và ở các nơi khác trả lời: “đi học CENLET”, dù trong thực tế không chỉ đến Trung tâm CENLET mà là đi học ở các Trung tâm ngoại ngữ khác, ở những nơi khác.
Nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 20 của Trung tâm, chúng tôi xin chân thành tri ân sự hỗ trợ rất quý báu về mặt tinh thần của chính quyền các cấp, của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế và của Phòng Giáo dục thành phố Huế. Chúng tôi xin chân thành tri ân đặc biệt sự yêu thương tin cậy của tập thể thầy cô giáo và của học viên của Trung tâm trong suốt 20 năm qua.
Lê Văn Gioang
No comments:
Post a Comment